Thứ Sáu, 10/04/2020 | 18:04 GTM+7

Covid-19 có thể ảnh hưởng không nhỏ đến lượng kiều hối năm 2020

Ít ra là trong 3 năm trở lại đây, Việt Nam luôn nằm trong top 3 của 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Nhưng vị trí này có thể thay đổi trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo đánh giá của ông Dil Dilip Ratha- chuyên gia kinh tế hàng đầu về di cư và chuyển tiền tại Ngân hàng thế giới, lượng kiều hối được dự kiến sẽ giảm mạnh sau khi dịch Covid-19 qua đi. Hiện, Hoa Kỳ- nguồn kiều hối lớn nhất thế giới hiện đang trở thành thành tâm dịch Covid-19 số 1 thế giới.

“Độ rộng của cú sốc kinh tế của đại dịch Covid-19 đang được cảm nhận thêm với việc mất kiều hồi. Ngay cả quốc gia là nguồn chuyển tiền cũng bị ảnh hưởng, có lẽ còn hơn cả quốc gia nhận tiền”- ông Dil Dilip Ratha nói.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam nhận được gần 17 tỷ USD kiều hối trong năm 2019, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng so với năm 2018 là 15,9 tỷ USD và 2017 là 13,8 tỷ USD. WB tính toán trong 12 năm trở lại đây, số kiều hối về Việt Nam tăng trung bình 10 - 15% mỗi năm và đây là một mức tăng rất cao.

Lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 có thể bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19- Ảnh minh họa

Lao động Việt Nam thuộc nhóm có thu nhập thấp tại nước ngoài trung bình mỗi tháng gửi về 735 USD, cao xấp xỉ 10 lần so với thu nhập 73 USD/tháng của các hộ gia đình nhận tiền tại Việt Nam. Đây là thông tin trong báo cáo "Hai mặt của đồng tiền: Câu chuyện của người nhận kiều hối" của công ty tài chính UniTeller vừa công bố tháng 12/2019.

Lượng kiều hối của Việt Nam được đánh giá ngày càng gia tăng cả lượng và chất từ cộng đồng hơn 4 triệu kiều bào đang sinh sống, hòa nhập tại hơn 187 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới và hơn 540.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài.

Với trung bình khoảng 70% lượng kiều hối “đi” vào sản xuất, kinh doanh và khoảng 20% “đổ” vào thị trường bất động sản, kiều hối là một trong những nguồn cung ngoại tệ trực tiếp từ nước ngoài về Việt Nam góp phần tăng vốn đầu tư, nguồn cung ngoại tệ cho thanh toán quốc tế và dự trữ ngoại hối quốc gia; cũng như tăng nguồn tiền gửi tiết kiệm, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa.

Theo QUANG LỘC/Báo Công Thương điện tử

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)