Thứ Bảy, 20/07/2019 | 20:07 GTM+7

Con đường nhanh nhất để trở thành CEO tài năng

Muốn đạt đến vị trí CEO (giám đốc điều hành) của một công ty, trung bình một người phải phấn đấu trong một phần tư thế kỷ. Nhưng có một số người có thể vươn đến vị trí đó nhanh hơn – họ đã làm như thế nào vậy?

Trong khi một số người có sự nghiệp thăng tiến nhanh chóng, trong khi vài người khác thì mất nhiều thời gian hơn – hoặc thậm chí bị đình trệ.

Người ta thường nghĩ những người từng tham dự các chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) ưu tú, giành được các công việc quản trị ngay khi ra trường tại các công ty có uy tín và leo thẳng lên vị trí lãnh đạo là những người luôn cẩn thận tránh các bước đi rủi ro. Nhưng dữ liệu của các nhà khoa học lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác.

Một nghiên cứu kéo dài 10 năm mang tên Dự án Genome CEO (tạm dịch: Bộ gen của Giám đốc điều hành), trong đó tập hợp một bộ dữ liệu gồm hơn 17.000 dữ liệu đánh giá về việc điều hành của các lãnh đạo cấp cao và nghiên cứu chuyên sâu trên 2600 đối tượng để phân tích ai đứng đầu và vì sao họ làm được điều đó. Sau đó, nghiên cứu cũng đã xem xét kỹ hơn những “CEO chạy nước rút” – những người đạt được vị tí CEO nhanh hơn so với mức trung bình 24 năm kể từ công việc đầu tiên của họ.

Và các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một phát hiện gây sốc: Những “CEO chạy nước rút” này không vươn lên dẫn đầu bằng cách kết giao để có được một phả hệ hoàn hảo. Thực tế họ đã liên tục thực hiện những bước chuyển sự nghiệp táo bạo và chính chúng là những “bệ phóng” giúp đưa sự nghiệp của họ lên đỉnh cao.

Sau khi phân tích, có ba loại bệ phóng sự nghiệp phổ biến: 97% trăm người trong số họ đã thực hiện trải nghiệm với ít nhất một trong ba loại, và gần 50% đã thử đến hai loại. (Trong khi đó, chỉ 24%  trong số họ có chứng chỉ MBA ưu tú.)

Thông qua các bệ phóng sự nghiệp này, các giám đốc điều hành này đã xây dựng những hành vi đặc biệt giúp họ thành công – bao gồm tính quyết đoán, đáng tin cậy, có khả năng thích ứng nhanh và khả năng tham gia tạo tác động – từ đó họ gây được chú ý vì những thành tựu của mình.

Các bệ phóng này mạnh mẽ đến mức ngay cả những người tham gia nghiên cứu chưa từng khao khát trở thành CEO cuối cùng cũng giành được vị trí này bằng cách theo đuổi một hoặc nhiều chiến lược đã được vạch ra.

Bước nhỏ trước để bước lớn hơn

Con đường đến với vị trí CEO hiếm khi là một đường thẳng bằng phẳng; đôi khi bạn phải bước lùi hoặc đi sang ngang để vượt lên. Hơn 60% “CEO chạy nước rút” đã từng nhận những vai trò nhỏ bé tại một số thời điểm trong sự nghiệp của họ.

Họ có thể là người khởi đầu cho một chương trình gì đó đó mới trong công ty (ví dụ bằng cách tung ra một sản phẩm hoặc bộ phận mới), chuyển đến một công ty nhỏ hơn nhưng đảm nhận một trách nhiệm lớn hơn hoặc bắt đầu kinh doanh riêng. Trong mỗi trường hợp, họ đã sử dụng cơ hội để xây dựng một cái gì đó từ đầu và tạo ra một tác động lớn lao.

Ở tuổi đôi mươi, James được thuê để phát triển kinh doanh và chiến lược bên trong một doanh nghiệp cực lớn chuyên về truyền thông và tiếp thị. Lúc mới đầu, ông được trao cơ hội để mở ra một nhánh kinh doanh mới. Việc này trông có vẻ như giáng chức, bởi vì ông phải xây dựng cả bộ máy tổ chức từ đầu, tương lai và lợi nhuận thì không hề ổn định. “Ban đầu doanh thu là con số 0, thế mà tôi đã xây dựng nó thành chi nhánh doanh thu $250 triệu đô,” ông nói.

Bằng cách xây dựng chi nhánh mới từ đầu đến cuối, ông đã nắm bắt được các kỹ năng quản lý thiết yếu, như nắm bắt thu nhập và chi tiêu, quản lý ngân sách và thiết lập tầm nhìn chiến lược – đây là các điều kiện tiên quyết quan trọng để trở thành CEO (đến hơn 90% CEO trong nghiên cứu có cùng chung những kinh nghiệm quản lý này). Mười ba năm sau, ông nay đã là CEO của một doanh nghiệp chuyên về giáo dục và đào tạo trị giá 1,5 tỷ đô la.

Thực hiện một bước nhảy lớn



Hơn một phần ba “CEO chạy nước rút” đã vượt lên dẫn đầu bằng cách thực hiện những bước nhảy vọt lớn, thường là trong thập kỷ đầu tiên của sự nghiệp. Các vị giám đốc điều hành này bỏ qua sự thận trọng và nói đồng ý với cả những cơ hội ngay cả khi vai trò mới khác hẳn những gì họ từng làm và họ có thể thiếu sót một chút khi đối mặt với các thử thách phía trước.

Lấy ví dụ, Jerry, người ở tuổi 24 đã tham gia một doanh nghiệp trị giá 200 triệu đô la với tư cách là một kế toán viên cao cấp. Tám tháng sau khi được thuê, anh được mời vào vị trí Giám đốc tài chính, vượt lên trên cả cấp trên từng thuê anh. Dù còn trẻ và còn chưa nắm chắc được tổ chức, anh đã thích thú đón nhận lấy cơ hội này. “Lúc đó tôi vẫn còn rất trẻ, tôi được trao cho những trách nhiệm vượt xa những gì mà tôi từng chuẩn bị,” anh cho biết.

Với tư cách là giám đốc tài chính, anh dần có được cái nhìn sâu sắc hơn về một loạt các chức năng và đã chứng minh khả năng phát triển mạnh trong một môi trường mới không đảm bảo. Trong vòng chín năm, sau một thời gian làm Giám đốc hành chính, ông đã được bổ nhiệm vai trò CEO đầu tiên trong sự nghiệp của mình.

Dĩ nhiên, những cơ hội trời cho này chẳng tự nhảy vào lòng bạn. Tuy nhiên, từ những chia sẻ của các “CEO chạy nước rút” này thì: Bạn chính là người tạo ra vận may cho chính mình. Hãy tìm kiếm những dự án mà trong đó bạn học hỏi thêm được nhiều kỹ năng, chạm đến nhiều vấn đề của doanh nghiệp.

Tham gia vào các sự kiện sáp nhập. Yêu cầu sếp phân chia thêm nhiệm vụ, trách nhiệm. Giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp. Trên hết, bạn cần tạo thói quen chớp lấy những cơ hội hiếm có – dù bạn có sẵn sàng hay không.

Tiếp nhận một mớ hỗn độn

Vâng, nghe thì có vẻ hơi không đúng và gây nản chí một chút, nhưng một trong những cách chứng minh khí phách CEO của bạn đó là tiếp nhận và giải quyết một mớ hỗn độn lớn. Đó có thể là một chi nhánh hoạt động kém, một sản phẩm thất bại hoặc gần phá sản –  nói chung là bất kỳ vấn đề lớn nào đối với doanh nghiệp mà cần được khắc phục nhanh chóng. Hơn 30% những “CEO chạy nước rút” đã dẫn dắt nhân viên của họ vượt qua một thử thách khó khăn như vậy.

Những tình huống khó khăn như thế luôn cần sự lãnh đạo mạnh mẽ. Khi gặp khủng hoảng, các nhà lãnh đạo “mới nổi” có cơ hội thể hiện khả năng đánh giá tình huống một cách bình tĩnh, đưa ra quyết định dưới áp lực cao, chấp nhận rủi ro một cách có tính toán, đoàn kết những người khác xung quanh và kiên trì đối mặt với nghịch cảnh. Nói cách khác, đó là sự chuẩn bị tuyệt vời mà công việc CEO rất cần.
Jackie, Giám đốc điều hành của một công ty vận tải, đã không chờ đợi rắc rối đến với mình mà chủ động tìm ra ra chúng. “Tôi thích giải quyết những việc lộn xộn: Công nghê thông tin, thuế, chi phí. Chúng không phải là vấn đề với tôi,” cô cho biết. “Tôi nhận những phần khó nhằn nhất. Tôi sắp xếp lại và tìm ra câu trả lời.”

Bằng cách chủ động và mạo hiểm sự nghiệp của mình với các công việc mà không ai khác dám giải quyết, Jackie đã chứng minh rằng cô có thể mang lại kết quả vì lợi ích của công ty. Cô đã giành được vị trí CEO đầu tiên của mình sau 20 năm kể từ ngày đầu tiên làm việc.

Mặc dù không có con đường duy nhất nào dẫn đến ghế CEO, những bệ phóng sự nghiệp này có thể được thực hành bởi bất kỳ ai khao khát vị trí lãnh đạo, và có thể đặc biệt cần thiết cho những người không có nhiều lợi thế như học vấn, mối quan hệ, giới tính… Phụ nữ thường mất nhiều hơn 20% thời gian so với nam giới để đạt được vị trí CEO.

Thúc đẩy sự nghiệp của bạn thông qua các bệ phóng này không đòi hỏi một bằng MBA ưu tú hoặc một đặc điểm trời ban nào, nhưng nó đòi hỏi bạn phải dũng cảm sẵn sàng để thực hiện các bước chuyển nghề nghiệp chưa có tiền lệ và thậm chí nhiều rủi ro. Nếu bạn thực sự khao khát vị trí lãnh đạo, việc này sớm muộn gì cũng trở nên quen thuộc với bạn thôi.

Về tác giả của nghiên cứu:
Kim Rosenkoetter Powell là hiệu trưởng tại ghSMART, đồng lãnh đạo của Dự án Genome CEO và là đồng tác giả của “The CEO Next Door”.
Nicole Wong là hiệu trưởng tại ghSMART và là thành viên cốt lõi của Dự án Genome CEO.
Nguổn: https://hbr.org/2018/01/the-fastest-path-to-the-ceo-job-according-to-a-10-year-study

Theo Ime Loto/luxury-inside.vn

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)