Thứ Năm, 26/03/2020 | 17:03 GTM+7

Có nên đầu tư bất động sản thời dịch?

Theo đánh giá của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, từ đầu năm đến nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều chủ đầu tư không thể đẩy nhanh tốc độ. Trước tâm lý lo ngại về dịch bệnh bùng phát, kéo dài, nhiều nhà đầu tư phải hoãn kế hoạch ra hàng, thậm chí có người quyết định bán tháo, thu hồi vốn.

Ảnh: Thùy Chi

Khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, xu hướng bán tháo, cắt lỗ sản phẩm ở nhiều loại hình, phân khúc đã diễn ra từ đầu năm và tăng mạnh vào sau Tết, khi dịch bệnh bùng phát. Khách hàng cũng lo sợ dịch bệnh nên ít quan tâm mua bán bất động sản. Thị trường vốn đã ít các sản phẩm mới từ giai đoạn trước do những vướng mắc về cơ chế chính sách nay lại càng khó khăn hơn.

Còn theo đánh giá của Savills Việt Nam, các dấu hiệu khó khăn lan rộng trong lĩnh vực đầu tư sẽ buộc nhiều chủ đầu tư phải quyết định chờ đợi cho đợt khủng hoảng này trôi qua, nếu tài sản và tiềm lực tài chính của họ vẫn trong khả năng kiểm soát. Trái lại, với các doanh nghiệp không đủ sức cầm cự qua khó khăn, họ sẽ buộc phải bán đi các tài sản sẵn có. Đây có thể là nguyên nhân của một số thương vụ mua bán và chuyển nhượng dự án, tài sản ở quy mô lớn trong thời gian tới.

Chia sẻ ý kiến của mình, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, kinh tế khó khăn là tình hình chung trên toàn cầu liên quan đến dịch Covid-19. Các ngành nghề khác đều khó khăn, từ sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, ngân hàng đều “ì ạch”, tất yếu dòng tiền không thể chuyển vào bất động sản được. Hiện nay, trong tổng số khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới, có tới 1/3 số sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa vì dịch bệnh khiến các doanh nghiệp “nằm im”.

Tuy nhiên, một số phân khúc như bất động sản nhà ở được nhìn nhận như chiếc lò xo bị “nén" lại, tức là nhu cầu có chững lại ngắn hạn nhưng tiềm năng vẫn rất lớn sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Không ít người vẫn cho rằng, sự sôi động của phân khúc này sẽ sớm trở lại ngay khi Việt Nam và thế giới đẩy lùi được dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, trong phân khúc bất động sản, đất nền ven đô vẫn là “vua”, tiền mặt giữ chỉ để an toàn trong thời điểm nhất định, còn chung cư là sản phẩm khó có lãi nhất, vì đa phần khách hàng hiện nay có nhu cầu thật, mua để ở. Nhưng việc đầu tư vào đất nền phải là đầu tư dài hạn. Không có chuyện thị trường sốt nóng hay tăng giá mạnh trong thời gian tới.

Phân tích về thị trường bất động sản trong thời điểm này, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, giá của căn hộ vẫn đang tăng, nhưng chỉ ở những khu vực gần trung tâm, khi hạ tầng xã hội và giao thông đã đầy đủ như Mỹ Đình, vì nhiều người có nhu cầu mua để ở và cho thuê. Tuy nhiên, cũng có những khu vực xa trung tâm, mức giá đã được thiết lập thì khả năng tăng giá không cao.

Đối với phân khúc căn hộ cao cấp mua để sử dụng, khách hàng không quan tâm đến chuyện tăng giá trong tương lai. Nếu khách hàng mua đầu tư thì tỷ suất cho thuê không cao, điều đó cũng ảnh hưởng đến khả năng tăng giá của khu vực này.

Còn về phân khúc đất nền, ngoài đất nền tại nơi đang phát triển, thì đất nền ven đô như huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Đông Anh sắp tới có thể chiếm tới 57% nguồn cung tương lai bởi có các dự án quy mô lớn.

Hơn nữa, theo lộ trình từ năm 2020-2025, các huyện này được xem xét xây dựng trở thành quận, có những tiêu chí đang cần phải thực hiện như dân số, diện tích, cấu trúc kinh tế, phát triển hạ tầng… Do đó, các huyện này cần thời gian để hoàn thiện. “Hiện quỹ đất các khu vực này cũng dồi dào, thị trường bất động sản đang ở giai đoạn đầu phát triển, có nhiều tiềm năng đang chờ khai thác”, bà Hằng cho hay.

Anh Nguyễn Ngọc Sơn, làm việc tại một công ty bất động sản có tiếng ở Hà Nội cho biết, thời điểm này nhiều nhà đầu tư đã gọi điện nhờ anh đẩy hàng. Giá họ đưa ra có phần mềm hơn so với thời điểm cuối năm 2019. Thậm chí, tại thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh, lượng hàng chào bán ở phân khúc đất nền không nhiều.

Ở phân khúc đầu tư nhỏ lẻ, nhiều người chấp nhận việc bán tháo, cắt lỗ đẩy hàng thời điểm này nhưng việc này không hề suôn sẻ. Anh Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, giai đoạn này, khách hàng rất ngại đi xem. Trong khi đó, muốn bán được bất động sản thì việc gặp trực tiếp là dễ nhất. Vì muốn bán được hàng, người môi giới và khách hàng phải có thời gian trao đổi cặn kẽ, tư vấn cụ thể về nhu cầu, tài chính đến khả năng sinh lời hoặc chất lượng sản phẩm...

Trước diễn biến thị trường bất động sản thời gian gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư không phải là hết cơ hội. Các nhà đầu tư đã và đang nắm giữ nhiều bất động sản cần cơ cấu lại danh mục xem bất động sản nào nên giữ, nên bán hoặc nếu sản phẩm đó kinh doanh được thì phải dựa trên mục tiêu, mong muốn và đặc biệt là nguồn tiền của nhà đầu tư.

Đối với chung cư phân khúc trung bình gần khu vực trung tâm, nhà đầu tư không nên lo lắng quá, vì đây là phân khúc sẽ thiếu trong thời gian dài. Với phân khúc cao cấp thì nên bán, thậm chí bán cắt lỗ để giữ tiền. Còn đầu tư đất nền ven đô hay các tỉnh, tuỳ thuộc vào khu vực để giữ. Chẳng hạn như ở Hoài Đức, Đông Anh, Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì, nhà đầu tư không nên quá lo lắng vì khu vực này sẽ phát triển trong tương lai khi Hà Nội mở rộng đô thị hơn nữa.

Điều quan trọng, đó là nguồn tiền không phải đi vay ngân hàng, không lo lắng về khả năng trả nợ trong ngắn hạn từ 3 - 5 năm tới thì có thể giữ bất động sản. Nếu không, nhà đầu tư có thể bán, thậm chí là chấp nhận cắt lỗ để thu tiền về. Nếu nguồn tiền của nhà đầu tư không sử dụng đòn bẩy tài chính có thể giữ bất động sản ở mức dài hạn hơn. Còn với nhà đầu tư có ý định vào thị trường ở thời điểm này thì nên cân nhắc các sản phẩm giá tốt, có tiềm năng khả quan.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, nên cẩn trọng bởi các thông tin cắt lỗ thời điểm này. Bởi từ trước đến nay không thiếu tình trạng môi giới rao bán cắt lỗ để thu hút khách nhưng thực tế giá không có gì thay đổi.

Bên cạnh đó, nhiều đầu tư thứ cấp đang sở hữu căn hộ, đất nền hoặc các sản phẩm bất động sản khác nếu không chịu áp lực từ đòn bẩy tài chính, thì phần lớn vẫn tin tưởng về thanh khoản thị trường sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nên sẽ không có ý định giảm giá để kích cầu. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến thị trường bất động sản chứng kiến mức suy giảm từ tổng cầu rất lớn, nhưng mặt bằng giá cả chưa hề có chiều hướng hạ nhiệt.

Theo THÙY CHI/Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)