Thứ Hai, 29/07/2019 | 17:07 GTM+7

Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án KCN Thaco - Thái Bình hơn 2.132 tỷ đồng

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Thaco - Thái Bình có quy mô 194,36 ha được thực hiện trong 50 năm với tổng nguồn vốn 2.132,633 tỷ đồng.

Dự án KCN Thaco - Thái Bình có quy mô 194,36 ha với tổng vốn đầu tư hơn 2.132 tỷ đồng

Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 27/5 cho biết Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Thaco - Thái Bình.

Dự án có quy mô 194,36 ha được thực hiện trong 50 năm tại các xã An Thái, An Ninh và An Cầu, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình với tổng nguồn vốn 2.132,633 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện dự án là 319,895 tỷ đồng và vốn vay ngân hàng 1.812,738 tỷ đồng.

Thủ tướng giao UBND tỉnh Thái Bình chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, nội dung tiếp thu, giải trình và nội dung đã thẩm định theo quy định của pháp luật; đảm bảo việc triển khai thực hiện dự án phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất của địa phương, quy hoạch đê điều và quy hoạch liên quan khác.

UBND tỉnh Thái Bình cũng sẽ chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình thực hiện việc cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử đụng đất để thực hiện dự án theo đúng tiến độ và quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai và pháp luật có liên quan; đảm bảo quyền sử dụng địa điểm đầu tư của nhà đầu tư, không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm, đảm bảo nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được nhà nước giao đất, cho thuế đất.

Thủ tướng cũng giao UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo cơ quan liên quan tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, bảo vệ đê điều theo quy định của pháp luật đầu tư, đất đai, môi trường, tài nguyên nước và đê điều; phối hợp với nhà đầu tư triển khai phương án đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt cần triển khai các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động trong khu công nghiệp, trong đó có phương án xây dựng nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động khu công nghiệp và hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất; xây dựng phương án thu hồi đất phù hợp với tiến độ thu hút đầu tư của dự án để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến người dân bị thu hồi đất.

Theo TRẦN MY/vietnamfinance.vn

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)