Thứ Tư, 10/10/2018 | 18:10 GTM+7

“Chiếc đũa thần” ESOP đi vào doanh nghiệp vừa và nhỏ

ESOP (Employee Stock Ownership Plan), tạm dịch sang tiếng Việt là Kế hoạch thực hiện quyền sở hữu cổ phần cho người lao động. Đây là phương thức mà một công ty, doanh nghiệp, tập đoàn áp dụng để từng cá nhân làm việc trong công ty, tổ chức đều có thể sở hữu cổ phiếu của công ty. Có nhiều cách khác nhau để người lao động sở hữu được cổ phần của doanh nghiệp: thưởng, mua trực tiếp từ công ty, hoặc thông qua ESOP.

Chương trình ESOP đã có mặt rất sớm trên thế giới với mục tiêu có lợi cho người lao động khi về hưu. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

“Chiêu thức hữu hiệu” của các gã khổng lồ

Hiện nay, trong quá trình phát triển của một công ty, doanh nghiệp hay tổ chức lớn, ESOP đã trở thành một hình thức động viên kiểu mới, mang lại những tác động tích cực đến người lao động làm việc tại đơn vị đó. Mục tiêu chính của chương trình ESOP chính là thưởng và động viên đội ngũ nhân viên sau một năm hoạt động kinh doanh hiệu quả. Phần thưởng này được trao cho những nhân viên xứng đáng, có thành tích xuất sắc trong công tác và nhân viên có cổ phiếu ESOP không phải trả bất kỳ khoản chi phí này. Đây cũng được xem là phương thức “giữ chân” người lao động, thúc đẩy tinh thần làm việc và tạo ra hiệu quả kinh doanh trong thời gian tới.

Các nước phát triển trên thế giới không xa lạ với chương trình ESOP. Ở Mỹ, chương trình này ra đời từ những năm 1950 và đi vào luật vào thập niên 70. Tiền thân của nó là hình thức bảo hiểm hưu trí trích ra từ quỹ do doanh nghiệp đóng góp và được hoạch toán vào chi phí lao động. Ngay khi người lao động nghỉ việc thì họ vẫn được quyền sở hữu cổ phiếu khi rời đi. Từ những lợi ích ban đầu, chương trình này đã bắt đầu lan tỏa ở các nước phát triển, nhất là các tập đoàn lớn, họ sử dụng chương trình ESOP như một “chiến lược” để giữ người tài. Điển hình như “gã khổng lồ” Google đã trao tặng một lượng lớn cổ phiếu hơn 100 triệu USD cho Neal Mohan – một nhà quản lý quảng cáo trực tuyến. Tại Coca cola, chương trình ESOP cũng đã thúc đẩy tinh thần làm việc và giúp cho Muhtar Kent – nhà điều hành rất giỏi của Coca cola một khoản thưởng tương xứng bằng cổ phiếu khi giúp cho lợi nhuận của Coca cola tăng hơn 50 tỷ USD vào năm 2013. Hay như tại P&G, Railway Express Agency, Sears & Roebuck cũng đã áp dụng phương thức này từ lâu.

“Sôi động” tại Việt Nam

Tại Việt Nam, chương trình ESOP vẫn còn là phương thức mới trong việc động viên, thưởng cho nhân viên, đặc biệt trong bối cảnh “chảy máu chất xám” đang là câu chuyện diễn ra hàng ngày tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tùy tình hình cụ thể của các doanh nghiệp mà chương trình ESOP có những tiêu chí khác nhau. Hiện nay đã có các tập đoàn lớn như FPT, Vinamilk, Thế giới di động, Thiên Long, Masan Consumer, Dược Hậu Giang,…đã thử sức với chương trình ESOP và đạt được kết quả kinh doanh lạc quan. Điều quan trọng chính là điều hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người lao động sở hữu cổ phiếu, định ra giới hạn chuyển nhượng cổ phiếu.

Theo CEO Thước Tầm Group Nguyễn Viết Khim thì ESOP là một chính sách hữu hiệu giúp người lao động ngày càng gắn bó với công ty, doanh nghiệp đang công tác và cũng là cách để công ty gửi lời cảm ơn thiết thực nhất đối với người lao động đã cống hiến lâu dài cho sự phát triển của công ty. KTS Nguyễn Viết Khim cho biết, với đặc thù là một doanh nghiệp đa ngành nghề với lĩnh vực nổi bật là kiến trúc, nội thất, xây dựng, bất động sản, Thước Tầm Group đã bắt đầu triển khai chương trình ESOP từ tháng 12/2017 và trong kỳ họp Ban Giám đốc vào tháng 10 vừa qua, Thước Tầm Group đã bắt đầu áp dụng “chia thưởng cho nhân viên bằng cổ phiếu” giai đoạn 2018 – 2022. Đây được xem là điểm mới, nét đột phá của Thước Tầm Group trong việc khuyến khích nhân viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là những nhân viên ở cấp bậc quản lý, có thành tích đóng góp trong sự phát triển của công ty triệu USD này.

Đội ngũ nhân sự tại Thước Tầm Group. Ảnh: thuoctamgroup.com

Chương trình ESOP đối với doanh nghiệp là điều cần thiết, là động lực cho sự phát triển trong tương lai. Và trong thời gian tới, vấn đề ESOP sẽ được nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập 4.0, bắt buộc các doanh nghiệp phải tính toán và đề ra các “chiến lược” phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.

THỦY NGUYÊN

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)