Thứ Sáu, 24/04/2020 | 17:04 GTM+7

Chia thừa kế khi bố mẹ không để lại di chúc thế nào?

Năm 2007, bố mẹ của ông Nguyễn Mạnh Trường mua nhà tại phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội, giấy tờ mua bán viết tay, có xác nhận tại UBND Phường. Nay, bố mẹ ông đã chết và không để lại di chúc.

Ông Trường đi công chứng khai nhận thừa kế thì Phòng công chứng trả lời hồ sơ không đủ điều kiện khai nhận thừa kế di sản. Vậy, ông Trường phải làm gì và tới đâu để hoàn thiện hồ sơ?

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp bố, mẹ của ông Nguyễn Mạnh Trường khi chết mà không để lại di chúc, thì những người ở hàng thừa kế thứ nhất còn sống tại thời điểm bố, mẹ ông Trường chết, gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết được hưởng thừa kế di sản của người chết để lại. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Theo quy định tại Điều 57 và Điều 58 Luật Công chứng, những người thừa kế theo pháp luật có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.

Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.

Thành phần hồ sơ yêu cầu công chứng: Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng.

Khi yêu cầu công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, Văn bản khai nhận thừa kế, mà tài sản của người chết để lại xác lập theo Giấy mua bán nhà đất viết tay, không đáp ứng yêu cầu về giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản theo quy định của pháp luật, nên Công chứng viên từ chối công chứng là có cơ sở.

Trường hợp bố, mẹ ông Nguyễn Mạnh Trường đã mua nhà đất theo hình thức giấy viết tay vào thời điểm năm 2007, có xác nhận của UBND phường. Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 82 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung tại Khoản 54 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, nếu còn sống, thì bố mẹ ông Trường có thể thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu, mà không phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất; cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Nhưng nay bố mẹ ông Trường đã chết, nên không thực hiện được thủ tục cấp Giấy chứng nhận theo quy định này.

Trường hợp chưa đủ điều kiện về thành phần hồ sơ để thực hiện thủ tục công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, Văn bản khai nhận thừa kế tại Văn phòng công chứng. Những người thừa kế theo pháp luật của bố, mẹ ông Nguyễn Mạnh Trường có thể yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại, cử Thừa phát lại  lập Vi bằng ghi nhận sự kiện họp mặt, thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, hoặc khai nhận thừa kế của người thừa kế, để làm chứng cứ trong xét xử (nếu có tranh chấp liên quan đến di sản) và trong các quan hệ pháp lý khác.

Luật sư TRẦN VĂN TOÀN
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)