Chia sẻ mối lợi từ đất
Trong khi hàng trăm ngôi biệt thự, hàng ngàn căn hộ ở quận 2, 9, 7… (TPHCM) đã có chủ nhưng không có người ở, thì TPHCM vẫn còn hàng ngàn con người không có được mái nhà riêng, dù bé nhỏ, đơn sơ. Trong khi nhiều khu đô thị được quy hoạch hoành tráng với các điều kiện sống “đạt chuẩn” chẳng biết bao giờ mới được thực hiện, thì hàng ngàn người dân trong khu vực quy hoạch ấy hàng ngày sống khốn khổ bởi nhiều quyền lợi hợp pháp về đất đai, nhà cửa bị “treo”, để chờ quy hoạch được thực thi.
TPHCM đã nhiều lần rà soát, điều chỉnh quy hoạch… Nhiều khu dân cư đã được xóa quy hoạch treo nhưng cũng còn không ít khu dân cư khác chưa được may mắn như vậy. Với lý do, để cho người dân xây dựng tràn lan, đô thị sẽ bị băm nát, cơ quan chức năng vẫn cương quyết giữ lại quy hoạch. Thậm chí có cán bộ còn nói rằng nếu không chờ đến khi quy hoạch được thực thi, được đền bù thỏa đáng theo giá thị trường như luật định thì người dân có thể bán nhà, đất đi nơi khác lập nghiệp. Một lời khuyên thật vô tâm, bởi nhà, đất đã “dính” quy hoạch, bán rất khó mà có bán được cũng “rẻ như cho”.
Trong khi đó, theo kinh nghiệm phát triển đô thị ở nhiều nước, họ chỉ làm quy hoạch khi có nguồn lực thực thi và một kế hoạch triển khai rất cụ thể; hoặc nhà nước xây dựng cơ chế để người dân trong khu vực quy hoạch có thể tham gia thực hiện với nhà đầu tư, để cùng chia sẻ lợi nhuận. Hiện nay, chúng ta có chủ trương đúng đắn là thu hồi đất sẽ đền bù cho người dân theo giá thị trường, nhưng vấn đề là người dân không thể chờ hàng năm, thậm chí hàng chục năm, khi quy hoạch được thực thi để nhận tiền bồi thường. Nhu cầu sống, sinh hoạt, làm ăn, buôn bán… là nhu cầu thiết thân hàng ngày nên việc bảo “cứ chờ” là không sòng phẳng với dân.
Hầu hết câu trả lời cho thực tế nêu trên đã có sẵn trong các bản kiến nghị của người dân, của các doanh nghiệp,… được báo chí đăng tải hoặc được gửi thẳng lên cơ quan có trách nhiệm. Ví như, tại sao nhiều người không thể tạo lập được ngôi nhà cho chính mình?
Câu trả lời đã được chính các nhà đầu tư phản ánh trong các cuộc họp với ngành chức năng, đó là thủ tục đầu tư nhà ở xã hội không khác gì nhà ở thương mại. Nhà đầu tư vẫn mất 3 - 5 năm để làm thủ tục đầu tư, tính từ khi có đất sạch. Mà mỗi một năm qua đi, phát sinh biết bao chi phí, rồi lãi suất vay, tất tật đều được tính vào giá thành căn nhà. Giá nhà cao vượt khả năng chi trả của đa số người lao động là vậy, nên có hàng trăm ngôi biệt thự không người ở, nhiều khu đô thị mới vắng người cũng là điều dễ hiểu. Cách xử lý vấn đề này, đã được nhiều nước áp dụng, là đánh thuế nhà, thuế đất không được sử dụng, với mức thuế cao. Việc này không chỉ giúp hạn chế tình trạng đầu cơ nhà đất mà còn có tác dụng tích cực thúc đẩy nguồn lực xã hội đầu tư vào sản xuất kinh doanh thay vì bất động sản.
Hiện Quốc hội đang tổ chức lấy ý kiến sửa Luật Xây dựng cũng như rà soát lại Luật Đất đai cùng nhiều quy định khác liên quan đến đất đai, xây dựng…, có thể xem đây cũng là dịp đánh giá lại toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến nội dung này. Sớm xem xét, rà soát, điều chỉnh ngay những bất cập trong pháp luật về đất đai cũng chính là hành động vì sự công bằng cho mọi người, mọi nhà.
Theo NGUYỄN KHOA/Báo Sài Gòn giải phóng
Ý kiến bạn đọc
(0)