Bạn cần biết 16 tháng 10, 2019

“Cám cảnh” đi thuê nhà, người đi thuê nhà cần chú ý điều gì?

Thứ Tư, 16/10/2019 | 18:10 GTM+7

“Mình có một cô bạn bị chủ nhà quỵt tiền thấy ghét lắm. Chuyện là như vầy: Bạn tìm thuê một căn nhà có hợp đồng là 3 năm, ở một thời gian ngắn (tầm khoảng 4 tháng thì chủ nhà “dở chứng” đòi lấy lại nhà với lý do qua tháng sau bà con của họ dọn về ở. Rồi họ hứa đền bù vì đã phá vỡ hợp đồng đã ký. Bạn mình biết làm sao bây giờ, thì tìm thuê nhà khác. Tìm được một căn cũng đẹp lắm, giá cả hơi cao chút nhưng cũng thuận tiện đường đi làm. Thì lúc đó, chủ nhà cũ nói rằng người bà con sẽ dọn về sau, không gấp lắm, sẽ cho nó thuê lại đến tháng 10 năm sau nhưng vì qua tết nên tăng giá so với năm cũ và họ không đền bù hợp đồng gì nữa. Thôi cũng được, ở đâu cũng quen đó rồi nên nó tiếp tục ở tiếp.

Rồi nó cũng tìm được cái nhà khác để thuê lại, bàn giao lại nhà cho chủ nhà để người bà con dọn về và kêu họ đền bù hợp đồng. Họ không đền bù gì mà còn chửi bới, lớn tiếng trách móc. Nó ức mà làm được gì, dẹp luôn, ở chỗ khác cho yên thân.

Thiết nghĩ, ai cũng cần có nơi để yên ổn mà sao “số phận” đi thuê nhà bấp bênh quá, may nhờ rủi chịu biết làm sao bây giờ?”

Hộp thư của bạn L.T.M (quận Thủ Đức) gửi đến email: tinhaynhadat.com chỉ là một “lát cắt” nhỏ trong vô số trường hợp những người đi thuê nhà. Vậy người đi thuê nhà cần chú ý điều gì?

Thuê nhà là việc làm cần thiết cho người lao động kiếm sống ở đô thị. Người đi thuê nhà cần chú ý điều gì?


1. Khi thuê nhà cần tìm hiểu xem chủ nhà tính tình có dễ thương không, có vui vẻ, hoạt bát, tính tình có gần gũi không? Bạn có thể “dò la” những người hàng xóm bởi những câu chuyện của những “bà tám” cũng có thể cung cấp cho bạn kha khá thông tin cần thiết.

2.Hợp đồng thuê nhà khi đã ký kết phải có giá trị pháp lý rõ ràng, phải có công chứng, hạn chế “nói miệng” hay thỏa thuận không có giấy tờ vì có kiện cáo thì cũng rất khó để giải quyết. (Trong bài không biết bạn L.T.M đã có hợp đồng công chứng chưa?)

3.Phải hỏi kỹ vấn đề tăng tiền nhà. Có nhiều nơi tăng tiền nhà liên tục, khổ người đi thuê. Khi họ không có đủ tiền hay chưa có đủ tiền thì khả năng “ra đường” cũng khá cao.

4.Kiểm tra nhà thuê có bị dột, thấm nước hay xuống cấp không.

5.Cũng cần xem xét khoảng cách từ nhà cho đến chỗ làm có thuận tiện không, tính toán nếu thuê nhà rẻ mà xa chỗ làm và nhà gần giá cao thì phương án nào thuận tiện hơn. Thật ra chi phí đi lại, xăng dầu cũng “ngốn” kha khá tiền của người đi thuê nhà.

6.Chủ nhà có hỗ trợ làm tạm trú cho mình không. Chú ý có nhiều nhà đi thuê không có số nhà (hoặc họ xây dựng trái phép) nên chủ nhà không đi làm tạm trú cho người thuê. Mà giấy tạm trú tạm vắng khá quan trọng cho người đi làm.

7.Giá cả điện nước tính như thế nào, có theo giá nhà nước quy định hay chủ nhà tự tăng giá tùy ý.

8.Đề phòng trước “chủ nhà giả”. Trước khi ký vào bản hợp đồng, bạn phải nắm chắc thông tin của người cho thuê nhà, kiểm tra giấy tờ pháp lý để chứng minh căn nhà thuộc quyền sở hữu của họ. Bạn cần kiểm tra: kỳ hạn cho thuê; ngày bắt đầu và ngày hết hạn cho thuê nhà, những điều cần chú ý trước khi hết hợp đồng, có “điều khoản phá vỡ hợp đồng” cho phép các bên chấm dứt hợp đồng do xảy ra sự cố; tiền cọc cho thuê là bao nhiêu và điều kiện nhận lại cọc sau khi thanh lý hợp đồng.

9.Kiểm tra căn nhà có bị thế chấp hay không. Nếu có cần hỏi chủ nhà ngân hàng có cho phép cho thuê lại nhà hay không. Nếu thỏa thuận thế chấp với ngân hàng nêu rõ không sử dụng cho thuê lại thì chủ nhà không được cho thuê lại. Nếu ngân hàng thu hồi quyền sở hữu nhà, khách thuê nhà sẽ bị mất quyền thuê nhà và phát sinh nhiều rắc rối khác.

10. Nên thông báo trước cho chủ nhà thời gian sẽ chuyển đi. Thường quy định thông báo cho họ từ 15 đến 30 ngày. Bạn nên dứt khoát, đừng day dưa thêm vì chủ nhà có thể lấy thêm tiền của bạn hoặc có thể gây khó khăn cho bạn.

11. Khi dọn đi phải kiểm tra hiện trạng căn nhà và trả lại “nguyên vẹn” hiện trạng căn nhà trước khi thuê. Đồ đạc của chủ nhà cũng nên bàn giao lại tránh những trường hợp xích mích không đáng có.

12. Khi dọn đi nên mang theo đồ đạc của mình, đừng để lại bất cứ vật dụng gì của bạn ở nhà cũ bởi nhiều người mặc định đồ đạc còn thì bạn vẫn còn ở và có thể lấy thêm tiền của bạn.

13. Xem xét môi trường xung quanh, khu vực cho thuê nhà có an ninh không, yên tĩnh không, các con hẻm có thuận tiện ra vào không, và nhiều điều kiện khác như chỗ gửi xe,…

14. Thuê nhà nguyên căn khác với thuê phòng trọ. Chi phí chi trả khá cao, bạn nên kiểm tra ngân sách của bạn có phù hợp không và tính toán nhu cầu thực sự của bạn trước khi thuê nhà.

15. Nếu được hãy liên lạc với những người thuê nhà trước đó, để tìm hiểu xem việc thuê nhà của họ có điều gì trục trặc không, có phát sinh vấn đề gì trong quá trình họ ở đó không.

THỦY NGUYÊN

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)