Thứ Tư, 14/03/2018 | 13:03 GTM+7

Các quỹ đầu tư đặt cược vào tương lai Việt Nam

Các quỹ đầu tư đặt cược vào tương lai Việt Nam

Khu đô thị Dragon City ở phía Nam TP. HCM

Thương vụ đầu tư tư nhân lớn nhất tại Việt Nam của Warburg Pincus vào Techcombank mới đây đang cho thấy sự dịch chuyển trọng tâm của các nhà đầu tư.

Từ sản phẩm nước mắm đến sữa, bia, những vụ đầu tư gần đây tại Việt Nam đang được tập trung vào xu hướng tiêu dùng ngày càng tăng lên, tác giả Andy Mukherjee viết trên Bloomberg trong bài viết: Private Equity Discovers Vietnam's Rising Rich.

Khoản đầu tư của Warburg Pincus tại Techcombank thông qua hai pháp nhân độc lập không chỉ giúp nâng tổng số vốn cam kết tại Việt Nam từ các công ty do quỹ này quản lý đạt hơn 1 tỷ USD mà còn đặt ra một xu hướng đầu tư mới. Tại đó, người cho vay đang tập trung vào phục vụ các khách hàng bán lẻ ngày càng giàu có hơn thông qua việc quản lý tài sản, thế chấp.

Năm 2013, Warburg Pincus mua 20% cổ phần của trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam, Vincom Retail.

Theo bài viết, đó là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề, đặc biệt là nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Mặc dù vậy, niềm tin vào sự phục hưng của thị trường Việt Nam của của Warburg Pincus và đối thủ KKR & Co, quỹ đã tăng gần gấp đôi vốn đầu tư vào Masan Consumer hồi đầu 2013, đã được đền đáp bởi những phần thưởng xứng đáng.

Trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu được coi là lớn nhất lịch sử thị trường Việt Nam, Warburg Pincus đã bán thành công số cổ phần trị giá 709 triệu USD tại Vincom Retail.

Thương vụ giữa Warburg Pincus và Vingroup đã dẫn tới Techcombank, ngân hàng tài trợ nhiều cho các dự án bất động sản của Vingroup, nơi mà Masan cũng là một nhà đầu tư lớn.

Techcombank cũng như nhiều ngân hàng khác chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chu kỳ tín dụng giai đoạn 2008 - 2012. Tuy nhiên, sau khi bán các khoản tài sản có vấn đề, tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng này đã giảm xuống 1,6%.

Tính đến hết năm 2017, Techcombank đạt tổng tài sản gần 270 nghìn tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế cả năm đạt hơn 8.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm ngoái và vượt kế hoạch 60%.

Bài viết trên Bloomberg đánh giá nền kinh tế Việt Nam hiện đã có nhiều sự chuyển biến tích cực, rất khác so với hình ảnh phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô, gạo, cà phê và giày dép như trước kia. Samsung là một trong những tập đoàn giúp kết nối Việt Nam vào chuỗi cung ứng điện thoại thông minh trên toàn cầu với khoảng 30% số điện thoại Samsung được lắp ráp tại đây.

Mặc cho sự rút lui của chính quyền Donald Trump khỏi Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc xuất khẩu của Việt Nam vẫn sẽ thay đổi tích cực trong bối cảnh 11 quốc gia còn lại đã tiến lên cùng với quyết định xóa bỏ hàng rào thuế quan nội khối.

So với tình trạng già hóa tại Thái Lan, dân số trẻ đang giúp Việt Nam trở thành đối thủ mạnh mẽ trong cuộc đua giành vị thế trong chuỗi cung ứng ô tô được tài trợ bởi Nhật Bản

Việc đầu tư của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi vào Sabeco cũng phản ánh niềm tin vào tăng trưởng thu nhập của Việt Nam cao hơn so với Indonesia hay Philippines. Tuy nhiên, một trong những yếu tố ảnh hưởng lên tăng trưởng tài sản dài hạn chính là sự ổn định vĩ mô.

Theo PHƯƠNG ANH/theleader.vn

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)