Các đại gia địa ốc khuấy động BĐS du lịch nghỉ dưỡng Kê Gà
Suốt gần hai thập kỷ, cụm resort mũi Kê Gà thuộc Bình Thuận rơi vào tình trạng điêu tàn, đóng băng do bị ảnh hưởng bởi quy hoạch dự án cảng của Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV).
Dự án Aloha Beach Village của Công ty BĐS Việt Úc đã và đang hoàn tất các hạng mục cuối cùng giai đoạn 1 của dự án
Sau khi quy hoạch cảng xoá bỏ, bên cạnh việc tích cực giải quyết bồi thường thiệt hại cho các chủ resort cũ, chính quyền địa phương đang khẩn trương đầu tư đồng bộ hạ tầng kết nối, tạo nhiều điều kiện để phục hồi dự án cũ, thu hút đầu tư, đặc biệt là các tổ hợp nghỉ dưỡng quy mô, đẳng cấp nhằm hồi sinh, thay đổi diện mạo du lịch cho vùng biển tuyệt đẹp này.
Nhà đầu tư trở lại
Từ những năm 2000, UBND tỉnh Bình Thuận phát động kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư tại 3 xã liền kề gồm Tiến Thành (TP Phan Thiết) và Thuận Quý, Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận). Việc kêu gọi vào Kê Gà nằm trong tổng thể quy hoạch cụm du lịch làm động lực phát triển kinh tế phía Nam Bình Thuận. Hưởng ứng chủ trương này, nhiều doanh nghiệp đến đây xây dựng các khu du lịch sinh thái, với tham vọng sẽ biến vùng biển tuyệt đẹp kéo dài hơn 30km thành trung tâm resort của tỉnh Bình Thuận.
Trong lúc các chủ doanh nghiệp đang đầu tư dang dở, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các doanh nghiệp dừng xây dựng resort, để thu hồi lại đất để phục vụ cho dự án quy hoạch xây dựng cảng Kê Gà do TKV làm chủ đầu tư, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc thu hồi các dự án du lịch ở Kê Gà, không những gây thiệt hại lớn cho DN đang đầu tư, dự án đắp chiếu, xuống cấp, mà còn làm mất niềm tin nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế đang có kế hoạch đổ bộ về đây. Gần như không ai dám đầu tư vào đây suốt hai thập kỷ trước lo ngại rủi ro thay đổi quy hoạch và chính sách.
Hiện Thủ tướng Chính phủ đã quyết định huỷ bỏ quy hoạch cảng Kê Gà, chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp cùng TKV thống kê, xem xét bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp bị thiệt hại. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận vận động các doanh nghiệp trở lại, tiếp tục hồi sinh các dự án resort dang dở...
Ông Từ Văn Phước, Chủ tịch Công ty Việt Úc, Chủ đầu tư Dự án Aloha Beach Village (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam), cho biết: “Thời gian qua, chính quyền địa phương đang cố gắng lấy lại niềm tin của doanh nghiệp. Chính vì vậy, sau khi quy hoạch cảng được xoá bỏ, cụm du lịch từ Kê Gà đến Tiến Thành đã sôi động lên từng ngày nhờ nhà đầu tư quay trở lại, đặc biệt là đổ bộ của hàng loạt đại gia BĐS, siêu dự án đẳng cấp”.
Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Hàm Thuận Nam, trong vòng 1 năm trở lại đây, khu vực huyện Hàm Thuận Nam có khoảng 10 dự án BĐS nghỉ dưỡng quy mô lớn triển khai. Trong đó phải kể đến như Tập đoàn Nam Group với Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, thể thao Thanh Long Bay, Tập đoàn Novaland với dự án NovaWorld, Công ty BĐS Việt Úc Group với dự án Aloha Beach Village, Biển Đá Vàng... “Các nhà đầu tư quay lại đầu tư mạnh và đa ngành hơn, làm cho du lịch phía Nam tỉnh Bình Thuận sôi động hẳn lên, nhất là khu vực Hàm Thuận Nam...”, ông Thọ phấn khởi.
Theo giới chuyên gia, ẩn số lớn nhất được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho thị trường du lịch nghỉ dưỡng Kê Gà chính là sân bay quốc tế Long Thành, dự kiến đi vào vận hành chính thức giai đoạn 1 vào năm 2025. Với công suất lên tới 100 triệu hành khách mỗi năm, sân bay quốc tế Long Thành sẽ bổ sung lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế đến Bình Thuận, mang lại cơ hội sinh lời hấp dẫn cho các nhà đầu tư đón đầu xu thế. Với khoảng cách chỉ khoảng 1 giờ di chuyển từ sân bay Long Thành, "thủ phủ du lịch" mới Kê Gà sẽ là điểm "hứng" lượng lớn khách quốc tế trong tương lai gần. Tạo nên sức bật cho thị trường du lịch Kê Gà còn là đòn bẩy từ một loạt dự án hạ tầng trọng điểm như: cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu, cao tốc Nha Trang- Phan Thiết, ĐT.719B, sân bay Phan Thiết.
Tập trung gỡ khó, lấy lại niềm tin
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hoà, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Thuận, nhìn nhận, không riêng gì 13 dự án tại Kê Gà bị tác động bởi quy hoạch cảng của TKV mà tổng cộng 63 dự án trong khu vực cũng có một phần ảnh hưởng, công tác đầu tư thận trọng hơn. Trong số này, hiện có 25 dự án hoạt động. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án chậm triển khai, phân tích nguyên nhân để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cơ chế phát triển cho nhà đầu tư. Riêng những chủ đầu tư xí đất, chậm triển khai quá thời hạn luật định, năng lực kém sẽ kiên quyết thu hồi.
Một dự án nghỉ dưỡng ven biển
Phó chủ tịch Nguyễn Đức Hoà nhấn mạnh, Hàm Thuận Nam có lợi thế thu hút đầu tư du lịch dựa vào những nét riêng và độc đáo mà các nơi khác không thể có được. Trước hết là bãi biển dài vẫn giữ vẻ đẹp hoang sơ, yên bình, rất sạch và an toàn. Bên cạnh đó, nơi đây còn sở hữu nhiều di tích, thắng cảnh lịch sử như, núi Tà Cú, chùa Linh Sơn Trường Thọ và tượng Phật nằm có chiều dài đến 49m, khu nghỉ dưỡng và chữa bệnh tại Suối nước nóng Bưng Thị, bãi Đá nhảy, dinh Thầy Thím, ngọn hải đăng Kê Gà....
Bên cạnh đó, Hàm Thuận Nam rất có tiềm năng phát triển BĐS du lịch nghỉ dưỡng nhờ quỹ đất còn nhiều, giá đất còn mềm, quy hoạch bài bản, đồng bộ. Đặc biệt, một động lực quan trọng tạo thuận lợi và hấp dẫn nhà đầu tư đó là tới tỉnh đang triển khai đầu tư mới đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà với tổng mức đầu tư xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
“Định hướng của tỉnh trong thời gian tới là chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ, năng lực tài chính mạnh, có tâm và tầm, nhằm kiến tạo, xây dựng các khu đô thị, tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và thể thao đẳng cấp. Làm sao để kích cầu lượng khách trong nước và quốc tế, gia tăng chi tiêu, thích thú lưu trú lâu hơn và quay trở lại nhiều lần”, ông Hoà chia sẻ.
Điểm nóng đầu tư
Quan sát cho thấy, nửa đầu năm 2019, Bình Thuận trở thành điểm nóng nổi bật trong bức tranh chung của thị trường BĐS cả nước. Hàng chục dự án nghỉ dưỡng đã đổ bộ dồn dập khuấy động gây chú ý giới đầu tư tại Phan Thiết (siêu dự án lấn biển Hamubay, Paradise Bay, NovaHills, NovaWorld, Goldsand Hill Villa), Mũi Né (Apec Mandala Wyndham), Kê Gà (Thanh Long Bay). Sự góp mặt của các nhà đầu tư lớn với cam kết đầu tư lâu dài đang tạo ra sự kỳ vọng về một diện mạo mới cho xứ sở thanh long. Trong cuộc chạy đua này, hai dự án NovaWorld và Thanh Long Bay được đánh giá là có quy mô và đẳng cấp nổi trội.
Cụ thể, Thanh Long Bay toạ lạc tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), được quy hoạch với quy mô lên đến 90ha. Dự án bao gồm các loại hình BĐS nghỉ dưỡng như: khu nhà phố thương mại biển, khu căn hộ biển, khu biệt thự biển và khách sạn. Cùng với hàng trăm tiện ích - dịch vụ chuẩn 5 sao, được biết Thanh Long Bay là một trong số ít các dự án được quy hoạch Cảng du thuyền tại Bình Thuận, tương lai sẽ trở thành điểm hội tụ du thuyền của hội thuyền buồm quốc tế. Đáng chú ý, đây là một trong số ít dự án biển được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất du lịch theo vòng đời dự án sang đất sử dụng lâu dài. Vì vậy, có hình thức sở hữu lâu dài đối với sản phẩm nhà phố thương mại và căn hộ biển.
Với NovaWorld, đây là dự án được xây dựng theo mô hình tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí “tất cả trong một” có quy mô gần 1.000ha của Tập đoàn Novaland. Dự án quy tụ đa dạng sản phẩm để đầu tư như biệt thự nghỉ dưỡng (grand villa, villa), nhà phố nghỉ dưỡng, shophouse... với tầm nhìn hướng ra khung cảnh biển, diện tích đất từ 100 – 240m2. Tại đây, chủ đầu tư sẽ dành 220ha để xây dựng trung tâm thể thao phức hợp gồm cụm sân golf 36 lỗ, khu thi đấu thể thao, công viên...
Ông Đỗ Duy Thoan, Phó Tổng Giám đốc Nam Group đánh giá, hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng đang tái khởi động tại Kê Gà. Tuy nhiên, tại đây vẫn còn khan hiếm các dự án có quy mô tầm cỡ quốc tế với đầy đủ hoạt động, tiện ích xứng tầm để đáp ứng nhu cầu cao về nghỉ dưỡng - giải trí của khách cao cấp. Chẳng hạn, thống kê của cơ quan chức năng, tính đến đến năm 2018, cả tỉnh Bình Thuận có 238 cơ sở lưu trú đã được xếp hạng với 9.476 phòng. Trong đó, cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao chỉ có 3 cơ sở với 348 phòng, 4 sao có 28 cơ sở với 3.083 phòng. Như vậy, số lượng cơ sở lưu trú cao cấp là rất thấp, chưa theo kịp nhu cầu, các dự án BĐS nghỉ dưỡng cao cấp sẽ còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Cũng theo ông Đỗ Duy Thoan, để phát triển du lịch biển cần quan tâm đến quy hoạch và bảo vệ môi trường. Bởi thực tế, nhiều vùng biển tuyệt đẹp nhưng quy hoạch bị băm nát, xây dựng kinh doanh nhếch nhác, ô nhiễm môi trường, để lại hệ quả nặng nề. Do đó, để hồi sinh cho vùng biển Kê Gà, rất cần sự tham gia của các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính vững mạnh, thực sự có tâm và có tầm để phát huy và bảo tồn được tài sản biển hiếm có.
Từ nhận thức đó, Thanh Long Bay được chủ đầu tư đầu tư các công nghệ hiện đại hàng đầu trong xử lí nước thải và công nghệ làm sạch bãi biển. Quy hoạch xây dựng đảm bảo thảm thực vật hiện hữu ít bị xâm hại nhất có thể và tiếp tục được ươm trồng để quy hoạch lại trong dự án. Đồng thời, chủ đầu tư sẽ bắt tay với các đối tác quốc tế uy tín hàng đầu trong quản lý khách sạn và vận hành trung tâm thể thao biển, với tham vọng ghi tên Thanh Long Bay trên bản đồ du lịch thế giới.
Theo MINH TUẤN/Báo Sài Gòn giải phóng
Ý kiến bạn đọc
(0)