Thứ Sáu, 05/07/2019 | 17:07 GTM+7

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Nguồn cung mới thấp nhất 4 năm qua

Thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh giảm nhiệt liên tục từ giữa năm 2018 đến nay, về cả nguồn cung mới và lượng tiêu thụ của nguồn cung mới, nhất là loại căn hộ nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, căn hộ nhà ở xã hội.

Dự án mới sụt giảm mạnh

Ông Lê Hoang Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, cả TP. Hồ Chí Minh chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh công nhận chủ đầu tư với quy mô diện tích hơn 2,2 ha và 924 căn hộ, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng đã đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án, giảm 82,2% so với cùng kỳ năm 2018.

6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại (mới) được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh công nhận chủ đầu tư, giảm 84,2% so với cùng kỳ năm 2018

Trong 6 tháng, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ, giảm 10 dự án tương đương với giảm 29,4%; giảm 2.336 căn, tương đương giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2018..

Trong khí đó, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty CP DKRA Việt Nam - đơn vị chuyên nghiên cứu về thị trường, cũng nhìn nhận, thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh giảm nhiệt liên tục từ giữa năm 2018 đến nay, về cả nguồn cung mới và lượng tiêu thụ của nguồn cung mới. Dẫn chứng, trong quý 2/2019, có khoảng 12 dự án cung cấp ra thị trường 2,559 căn hộ, bao gồm 3 dự án mới và 9 dự án trước đó triển khai giai đoạn tiếp theo, bằng 95% so với quý trước, 29% cùng kỳ năm 2018, 22% cùng kỳ năm 2017.

“Đây là thời điểm nguồn cung mới có mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, kể từ năm 2016. Lượng tiêu thụ nguồn cung mới đạt 80% (khoảng 2,047 căn), bằng 88% so với Quý 1 và bằng 28% so với cùng kỳ năm 2018” - Tổng giám đốc DKRA Việt Nam khẳng định.

Lý giải việc thị trường bất động sản (BĐS) giảm nhiệt liên tục, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiêp BĐS đang gặp phải nhiều thách thức về thời gian thực hiện quy trình,thủ tục hành chính, các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra chưa được triển khai thực hiện dự án... Ngoài ra,dự thảo siết tín dụng cho vay BĐS, vấn đề thủ tục pháp lý còn chưa thuận tiện, đã gây nhiều trở ngại cho các chủ đầu tư và người mua.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty CP DKRA Việt Nam - Nguồn cung căn hộ mới có mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua

Tiếp tục khan nguồn cung căn hộ giá thấp

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, những rắc rối pháp lý hiện nay sẽ ảnh hưởng đến thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh từ nay đến cuối năm, với việc sụt giảm cả về quy mô, nguồn cung, quỹ đất, dự án, sản phẩm, số lượng giao dịch. Sự sa sút này sẽ có thể kéo giảm về đóng góp ngân sách cho Nhà nước của ngành. Đây là một trong những thách thức lớn cho thị trường BĐS của TP trong năm 2019 và có thể kéo dài đến năm 2020 nếu không được xử lý dứt điểm sớm.

Ở góc độ nghiên cứu thị trường, ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam dự báo, đối với phân khúc căn hộ, nguồn cung và sức cầu có thể tăng nhưng không mạnh. Trong đó, khu Đông và khu Nam TP. Hồ Chí Minh vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung. Căn hộ hạng A và hạng B tiếp tục dẫn dắt thị trường, trong khi nguồn cung căn hộ hạng C (giá thấp) sẽ khan hiếm bởi chưa có nhiều dự án mới sẵn sàng ra thị trường.

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đang sụt giảm nhiều mặt, từ nguồn cung các dự án cho đến phân khúc thị trường rất trông đợi là các căn hộ vừa túi tiền và nhà ở xã hội

Phân khúc nhà phố, biệt thự có thể giảm nhẹ nguồn cung nhưng sức cầu vẫn ổn định. Trong khi đó, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc và Bình Thuận vẫn là thị trường quen thuộc của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng. Được tiếp đà từ quý 2/2019, trong 6 tháng tới đây, nguồn cung biệt thự biển và condotel có nhiều dấu hiệu tăng.

Bên cạnh đó, mô hình khu nghỉ dưỡng phức hợp (Intergrated Resort) cũng sẽ nhận được sự quan tâm lớn từ khách hàng, trong đó loại hình nhà phố, shophouse được thị trường đón nhận khá tốt. Tuy nhiên, đất nền vẫn tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu. Trong thời gian tới, nguồn cung mới có thể sẽ tăng nhưng không vượt qua năm 2018.

Nhìn vào tổng quan thị trường, các chuyên gia BĐS cho rằng, sẽ có những khó khăn và cơ hội đan xen, tuy nhiên sẽ không có những biến động nổi bật, đột biến so với năm 2018. Các cơ quan chức năng, Nhà nước, cần cải thiện quy trình pháp lý, tạo điều kiện để chủ đầu tư phát triển các dự án từ đó tạo nguồn cung dồi dào, giảm áp lực tăng giá. Có biện pháp xử lý hiệu quả đối với những sai phạm của dự án, chủ đầu tư, môi giới… Đồng thời, điều chỉnh, sửa đổi các quy định, điều luật phù hợp với điều kiện và diễn biến mới của thị trường.

Theo THANH MINH/Báo Công Thương điện tử

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)