Chủ Nhật, 03/06/2018 | 01:06 GTM+7

Bất động sản thu hút thêm hơn 800 triệu USD vốn FDI

Trong 5 tháng/2018, số vốn đăng ký của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép mới vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 623,3 triệu USD. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn FDI vào hoạt động kinh doanh bất động sản tại Việt Nam đạt 806,5 triệu USD, chiếm 11,3% tổng nguồn vốn FDI thu hút được của cả nước trong 5 tháng/2018.

Thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục thu hút mạnh vốn FDI

Tính đến ngày 20/5/2018, cả nước thu hút 1.076 dự án vốn FDI cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 4,6 tỷ USD, tăng 14,6% về số dự án và giảm 16,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 393 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2,49 tỷ USD, giảm 47,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 5 tháng đầu năm 2018 đạt 7,1 tỷ USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ năm 2017.

TP. Hồ Chí Minh có số vốn FDI đăng ký lớn nhất với 540,9 triệu USD, chiếm 11,6% tổng vốn đăng ký cấp mới, tiếp đến là Hà Nội 525,6 triệu USD. Trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng/2018 thì Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1 tỷ USD, chiếm 21,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản 904,8 triệu USD, chiếm 19,4%; Thái Lan 536,2 triệu USD, chiếm 11,5%.

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư với tổng số vốn đạt 4,52 tỷ USD, chiếm 56,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Xếp thứ hai là lĩnh vực bất động sản với tổng vốn đầu tư 806,5 triệu USD, chiếm 11,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 779 triệu USD, chiếm 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Có thể thấy, xu hướng thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản đã diễn ra mạnh mẽ từ năm 2017 cho đến nay khi lĩnh vực bất động sản chiếm tới 8,5% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, với 3,05 tỷ USD. Bước sang năm 2018, vốn FDI không chỉ mở rộng ở phân khúc nhà ở, mà có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại, đặc biệt là các dự án văn phòng hạng A có vị trí đắc địa.

Ngoài ra, thị trường bất động sản Việt Nam thu hút mạnh nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua chủ yếu thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Hình thức này ngày càng trở nên phổ biến khi kết hợp được thế mạnh của nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tài chính mạnh, giàu kinh nghiệm kinh doanh và DN địa phương nắm giữ quỹ đất lớn, am hiểu về trình tự thủ tục đầu tư. Dòng vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam sẽ đem đến nhiều lợi ích, trong đó, việc hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ làm giảm áp lực lệ thuộc vốn vào ngân hàng của DN bất động sản.

Theo Báo Công thương điện tử

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)