Bất động sản nửa cuối năm 2019: Kênh đầu tư hấp dẫn
Chiều hướng chững lại cả về nguồn cung và lượng giao dịch là diễn biến của thị trường bất động sản Việt Nam những tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, sự “giảm tốc” này không bất thường, bởi đây là giai đoạn “chạy đà”. Những tháng cuối năm 2019, bất động sản được dự báo vẫn tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn.
Nhu cầu và sức mua của thị trường lớn
Đánh giá về thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2019, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường có dấu hiệu chững lại, biểu hiện rõ nhất tại hai thị trường bất động sản lớn nhất cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, tại Hà Nội, tổng nguồn cung bất động sản nhà ở giảm 25%, lượng giao dịch giảm 28% so với cùng kỳ năm 2018. Tại thành phố Hồ Chí Minh, nguồn cung giảm mạnh tới hơn 50%.
Bất động sản hứa hẹn sẽ nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư vào nửa cuối năm 2019. Ảnh: Hữu Tiệp
Tuy nhiên, việc “giảm tốc” này không có vấn đề gì đặc biệt, bởi vào quý cuối các năm thường có khối lượng hàng lớn được “bung” ra. Bên cạnh đó, việc khởi động trở lại sau giai đoạn nghỉ Tết cũng chậm hơn. Ngoài ra còn có nguyên nhân là nhiều dự án chậm phê duyệt cũng như việc thắt chặt tín dụng bất động sản... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản.
Mặc dù chững lại trong những tháng đầu năm, song thị trường bất động sản cả nước vẫn cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực. Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, kinh tế những tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh không ngừng được cải thiện; đặc biệt hai chỉ số quan trọng là giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018 và mức độ tiêu dùng của Việt Nam ở hàng cao so với khu vực là những nhân tố tích cực thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục phát triển. Trong đó, điểm mạnh nhất của thị trường bất động sản Việt Nam là sức cầu và thanh khoản rất lớn.
Điều này cũng thể hiện rất rõ qua diễn biến thị trường những tháng đầu năm. Báo cáo thị trường bất động sản quý I-2019 của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, nguồn cung thấp dẫn đến lượng giao dịch bất động sản giảm mạnh so với quý IV-2018.
Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ sản phẩm dự án mới tương đối cao, đặc biệt là phân khúc căn hộ chung cư trung cấp có tỷ lệ hấp thụ lên đến 89,7%. Điều này cho thấy nhu cầu và sức mua của thị trường vẫn đang có lực mạnh. Quý II và dự kiến sang quý III-2019, nguồn hàng từ các dự án được phê duyệt sẽ bùng nổ mạnh, nên thị trường sẽ có sự tăng trưởng tốt hơn.
Thêm dòng vốn ngoại - thêm ổn định
Dự báo về thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm 2019, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, quan sát diễn biến nền kinh tế thời gian qua có thể thấy, bất động sản vẫn là lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Từ năm 2016 đến nay, vốn FDI đổ vào lĩnh vực này luôn xếp thứ 2, chủ yếu ở phân khúc bất động sản công nghiệp và hình thức là mua bán, sáp nhập.
Thống kê 4 tháng đầu năm 2019 cho thấy, lĩnh vực bất động sản tiếp tục “hút” dòng tiền đầu tư khi xếp thứ 2 và thu hút được 1,1 tỷ USD vốn FDI, chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm 2018.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết: "Các nhà đầu tư quốc tế đang ngày càng quan tâm nhiều hơn tới Việt Nam. Cụ thể, các nhà đầu tư rất quan tâm đến việc mua bán, sáp nhập các dự án ở Việt Nam. Có nhiều dòng vốn lớn đang chờ để chảy vào Việt Nam. Ngoài sự ổn định của nền kinh tế, môi trường đầu tư thông thoáng hơn, nền kinh tế có độ mở lớn hơn thì việc một số nước có chính sách điều chỉnh phát triển cũng khiến Việt Nam được hưởng lợi. Ví dụ như Hàn Quốc có chính sách phát triển hướng Nam và Việt Nam là thị trường được quan tâm đầu tư”.
Trong xu thế nguồn cung bất động sản nhà ở đã phát triển tương đối ổn định, nhiều doanh nghiệp đã có sự chuyển hướng sang thị trường bất động sản du lịch, công nghiệp, văn phòng thuê... Đây là mảng bất động sản mà thị trường sẽ rất cần trong thời gian tới, nhất là trong tiến trình hội nhập với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhiều tập đoàn nước ngoài sẽ vào Việt Nam đầu tư.
Nhận định về xu hướng thị trường, ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Netland cho biết, trong thời gian qua, vốn FDI đổ vào Việt Nam nhiều, trong đó lượng vốn lớn đến từ châu Á, từ các nhà đầu tư: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Các nhà đầu tư đang tìm kiếm các dự án đầu tư với những tiêu chí khác nhau, nhưng hai phân khúc là bất động sản nhà ở và nghỉ dưỡng vẫn nhận được nhiều quan tâm. Ngoài ra, nhu cầu văn phòng cho thuê đến từ doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng rất lớn.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, bên cạnh nhu cầu nhà ở vẫn tiếp tục có cầu lớn, thì "cuộc chiến" thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng khiến làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp sang Việt Nam ngày càng mạnh mẽ. Bất động sản công nghiệp, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho các chuyên gia còn rất thiếu, cho thấy tiềm năng tăng trưởng lớn trong tương lai.
Nhận định về thị trường bất động sản từ nay đến hết năm 2019, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, thị trường sẽ tiếp tục phát triển ổn định. “Không có vấn đề gì phải lo lắng như “bong bóng”, hay vỡ nợ, mà sẽ bền vững hơn, theo xu hướng hội nhập quốc tế” - ông Khởi nhấn mạnh.
Theo DẠ KHÁNH/Báo Hà Nội mới
Ý kiến bạn đọc
(0)