Thứ Tư, 19/02/2020 | 18:02 GTM+7

Bất động sản… chờ thời

Các chủ đầu tư, hệ thống sàn giao dịch nhà đất tại TPHCM đã khai trương, tổ chức quảng bá, chào mời sản phẩm đến khách hàng gần nửa tháng qua. Dù vậy, hoạt động đầu tư, kinh doanh đang bị đình trệ, ế ẩm.

Nguyên nhân do những nút thắt chính sách chưa được tháo gỡ, nguồn cung hàng mới trên thị trường khan hiếm đặc biệt và khách hàng ngại đến giao dịch do hạn chế đến nơi đông người vì Covid-19…

Thay đổi cách tiếp cận khách hàng

Một trong những nội dung của Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống các diễn biến phức tạp của Covid-19, là hạn chế tập trung đông người; yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng… đã khiến việc tổ chức các sự kiện bán hàng của các doanh nghiệp BĐS phải tạm ngưng, chờ qua cơn dịch và thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng.

Ghi nhận cho thấy, thông thường các sàn giao dịch BĐS của Tập đoàn Địa ốc Novaland đều rất đông khách, bất kể có dự án mới hay không có. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh lượng khách đến các sàn giảm khá nhiều. Tại sàn giao dịch góc Cách Mạng Tháng 8-Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, vào giờ cao điểm nhưng chỉ hơn 10 khách hàng đến tìm hiểu các dự án của tập đoàn này.

Sàn giao dịch BĐS Novaland vắng khách do bị tác động của Covid-19.

Nhân viên tư vấn cho biết những ngày này chỉ những khách nào thực sự có nhu cầu mua nhà để ở hay đầu tư mới đến. Anh Văn, một khách hàng có mặt tại đây, chia sẻ vừa bán căn nhà ở ngoại thành và đang cần tìm gấp căn nhà mới ở khu vực quận 2 hoặc quận 4. “Người mua cho tôi ở lại thêm 1 tháng để bàn giao. Quá gấp rút tìm nơi ở mới, nếu không tôi chưa dám đến những chỗ đông người trong thời điểm này” - anh Văn cho biết.

Tại sàn giao dịch Kim Oanh trên đường Trường Chinh (Tân Bình), lượng khách đến tìm hiểu dự án cũng khá vắng vẻ. Đại diện Công ty Địa ốc Kim Oanh, cho biết mọi năm sau rằm tháng giêng doanh nghiệp đã triển khai các hoạt động kinh doanh, bán hàng với quy mô lớn nhưng năm nay phải tạm dừng. Trước mắt công ty chỉ tập trung bán các sản phẩm của dự án cũ còn lại, các dự án mới chưa thể triển khai do không thể tập trung đông người.

Tương tự, ông Lê Tiến Vũ, Phó Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Cát Tường, chia sẻ trước tết mỗi sự kiện bán hàng của doanh nghiệp thu hút hàng ngàn khách hàng nhưng sau tết phải tạm ngưng. Cụ thể, công ty đã lên kế hoạch tổ chức một số buổi bán hàng cho các giai đoạn tiếp theo tại dự án Cát Tường Phú Hưng (Bình Phước), nhưng nay cũng phải tạm ngừng nhằm đảm bảo sức khỏe cho khách hàng.
Lãnh đạo Công ty BĐS Đô thị mới Thủ Thiêm, Công ty BĐS Trần Anh, Công ty Đại Phúc Land, cũng xác nhận thay đổi kế hoạch tổ chức sự kiện bán hàng. Thay vì mở bán tập trung, các đơn vị này chuyển hướng tổ chức những sự kiện quy mô nhỏ, “đánh du kích”, tiếp cận trực tiếp riêng lẻ từng khách hàng.

Ông Dương Chính, Tổng giám đốc CTCP Sự Kiện Việt cho biết, do ảnh hưởng của dịch hàng chục khách hàng là doanh nghiệp BĐS khu vực phía Nam phải hủy kế hoạch tổ chức sự kiện bán hàng, giới thiệu dự án mà trước đó đã ký hợp đồng với công ty. “Chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều nhưng cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung. Hầu hết hợp đồng phải hủy đều nằm trong tháng 3, hy vọng sau thời gian trên hoạt động của doanh nghiệp sẽ trở lại bình thường” - ông Chính kỳ vọng.

Cần cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, năm 2019 thị trường BĐS và nhiều doanh nghiệp BĐS phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là nhà ở xã hội (NoXH), nhà ở thương mại (NoTM) có giá vừa túi tiền. Hầu hết doanh nghiệp đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản.

Dẫn số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch -Đầu tư), ông Châu cho biết trong năm 2019 có đến 598 doanh nghiệp BĐS đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8%; 686 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng 39,4%, so với năm 2018, đứng đầu so với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác.

Tại TPHCM, có đến 126 dự án NoTM có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án BĐS có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý, hoặc phải thanh tra, điều tra. Năm 2019 chỉ có 1 dự án NoTM có quyền sử dụng đất ở được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 12 dự án, giảm 92% so với năm 2018; 4 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án, giảm 85% so với năm 2018; có 16 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án, giảm 80% so với năm 2018.

Nhằm tháo gỡ các vướng mắc và điểm nghẽn tồn tại trên thị trường BĐS, Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND TPHCM, báo cáo tổng hợp các đề xuất của hiệp hội nhằm hỗ trợ thị trường phục hồi và phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng của Covid-19, HoREA đề nghị xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch. HoREA cho rằng dịch đang tác động làm tăng thêm khó khăn cho thị trường, trước hết là BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Cơ quan này đề nghị UBND TPHCM đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp BĐS, như cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu lại các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế…

Ông Ngô Đức Sơn, Phó Tổng giám đốc CTCP DRH Holdings, đánh giá dịch bệnh đang gây ảnh hưởng lớn tới BĐS. Đối với BĐS nhà ở, khách hàng Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn trong nhóm người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, nhưng do Covid-19 lượng khách này chắc chắn sẽ giảm mạnh. Nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam rất nhiều, nhưng với tình hình dịch bệnh họ sẽ phải thay đổi kế hoạch hoặc dời lại thời điểm đầu tư.

Dù nhìn nhận thị trường BĐS đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, cho rằng các nút thắt về pháp lý, thủ tục hay dịch cúm chỉ là khó khăn mang tính thời điểm đối với doanh nghiệp địa ốc. Theo ông Phúc, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là tìm kiếm quỹ đất phù hợp để phát triển dự án, đặc biệt là các dự án NoXH, nhà ở vừa túi tiền của đại bộ phận người dân có thu nhập thấp ở đô thị. Ngoài việc khan hiếm quỹ đất, thách thức khác kéo theo là chi phí đất đai tăng ảo, bất hợp lý, gấp đôi, gấp ba lần khiến nhiều chủ đầu tư đau đầu.

“Chi phí đất đai tác động rất lớn đến giá thành sản phẩm đầu ra. Để đảm bảo lợi nhuận, chủ đầu tư buộc phải gắn mác dự án cao cấp, thổi giá sản phẩm. Hệ luỵ của BĐS tăng ảo sẽ tác động xấu lên thị trường, tâm lý người có nhà rồi không muốn mua thêm, cũng như vượt xa tầm với của người chưa có nhà. Tiền lương của người lao động, cán bộ công chức hiện nay tăng không nhiều 3-5%/năm, trong khi BĐS nhà ở tăng phi mã như thời gian qua là quá bất hợp lý” - ông Phúc nói.

Các nút thắt về pháp lý, thủ tục hay dịch cúm chỉ là khó khăn mang tính thời điểm đối với doanh nghiệp địa ốc. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp BĐS hiện nay là tìm kiếm quỹ đất phù hợp để phát triển dự án, đặc biệt là các dự án NoXH, nhà ở vừa túi tiền với đại bộ phận người dân có thu nhập thấp đô thị.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group


Theo TRÀ GIANG - MINH TUẤN/Báo Sài Gòn giải phóng đầu tư tài chính

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)