Thứ Hai, 09/03/2020 | 17:03 GTM+7

Bất động sản… bất động

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay Quyết định giao đất cho dự án được xem là “giấy tờ hợp pháp”, là điều kiện để dự án được cấp phép xây dựng? Đây là nội dung được tranh luận khá gay gắt giữa các sở ngành chức năng TPHCM và đại diện doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản (BĐS).

UBND TPHCM vừa đưa ra dự thảo các bước để thực hiện cho một dự án nhà ở. Theo đó, TP yêu cầu một trong các bước DN phải thực hiện là chủ đầu tư phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính cho dự án, tức là phải đóng tiền sử dụng đất để được cấp “sổ đỏ”, rồi mới được cấp phép xây dựng dự án.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, đề nghị gộp “xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất”, “cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” thành một bước. Điều này có nghĩa, DN được cấp phép xây dựng cho dự án vừa làm các thủ tục để xác định nghĩa vụ tài chính và nộp tiền sử dụng đất để được cấp “sổ đỏ” cho dự án. Ông Châu lập luận, quy định DN phải thực hiện thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất trước khi được công nhận là chủ đầu tư, chưa được thẩm định thiết kế dự án, chưa được cấp giấy phép xây dựng, chưa được triển khai thi công, là chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và cũng không phù hợp thực tiễn. Lý do: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Xây dựng và các văn bản dưới luật đều không quy định chủ đầu tư dự án nhà ở phải nộp tiền sử dụng đất trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, giai đoạn thi công xây dựng trước khi bán nhà, nền nhà, hoặc huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Thực tiễn hoạt động đầu tư xây dựng của các dự án nhà ở thương mại cho thấy, thực hiện quy trình thủ tục xác định giá đất (Sở TN-MT); thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất (Sở Tài chính, Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố) trên thực tế mất rất nhiều thời gian. DN phải chờ đợi rất lâu mới nộp được tiền sử dụng đất, dẫn đến dự án nhà ở chậm được triển khai thực hiện. Trong những năm qua, thời gian thực hiện thủ tục này mất khoảng 2 năm, có dự án phải mất từ 3 năm trở lên. Khi nộp tiền sử dụng đất, DN bị chôn vốn, chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí quản lý... cũng tăng theo, dẫn đến giá nhà sẽ bị tăng, mà cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề với Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình, nếu giải quyết theo cách của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM thì như thế nào? Ông Bình cho biết, “doanh nghiệp sẽ không được công nhận chủ đầu tư”!

Rõ ràng, quy định pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh BĐS hiện nay vẫn còn quá nhiều chồng chéo, một nội dung nhưng nhiều cách lập luận khác nhau, cách hiểu khác nhau, khiến cho cán bộ thụ lý không thể giải quyết, hồ sơ ứ đọng. Nếu không sớm khơi thông vấn đề này, thị trường BĐS sẽ còn “đứng hình” dài dài.

Theo ĐỖ TRÀ GIANG/Báo Sài Gòn giải phóng 

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)