Thứ Năm, 16/08/2018 | 21:08 GTM+7

Ăn đồ cúng cô hồn: nên không?

Cứ đến ngày rằm tháng 7 hàng năm, người Việt lại có phong tục cúng cô hồn vì quan niệm rằng đây là thời gian xá tội vong nhân, giúp những vong hồn lang bạt, vất vưởng trên trần gian mau được siêu thoát. Hoặc có quan niệm cho rằng, người âm sẽ được mở cửa địa ngục tìm về với gia đình nên người ta cũng thường gọi là Tết của người âm.

Mâm cúng cô hồn, ảnh minh họa, nguồn: Internet

Cúng cô hồn hay còn gọi là cúng thí thực nhằm mục đích bố thí cho những vong linh còn đang vất vưởng ở trần gian, những vong hồn đói khát, không người cúng kiếng.

Phong tục cúng cô hồn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, lễ cúng cô hồn thường được tổ chức vào lúc chiều tối hoặc chạng vạng (thường là từ mùng 1 đến rằm tháng 7 âm lịch). Sở dĩ thực hiện vào lúc chạng vạng, chập tối bởi vì ban ngày ánh nắng nhiều, khí dương vượng, các cô hồn từ địa ngục lên nên sẽ rất yếu, không dám lên đón nhận các phẩm vật cúng cho, ngược lại thời khắc chấp tối, các vong hồn tích tụ lại có thể đón nhận đồ cúng.

Với người Việt chúng ta, mâm cúng cô hồn có thể khác nhau nhưng cơ bản vẫn phải đảm bảo vàng mã, hoa quả, khoai luộc, kẹo bánh, gạo muối và cả cháo loãng. Đặc biệt là món cháo loãng rất phù hợp với những vong linh lang bạt, tương truyền những linh hồn khi bị đày đọa nơi địa ngục phải mang một thực quản rất nhỏ, hẹp với cái cổ dài nên khó để tiếp nhận thức ăn nên cháo loãng được xem là món cúng khá phù hợp.Với các thai nhi, em bé mất sớm thì mâm cúng cô hồn có cả kẹo, sữa, bim bim, khoai sắn,…

Nhiều gia đình không đem đồ cúng vào nhà và thay vào đó là bày biện ra hành lang, trước cửa nhà, trên sân thượng để người khác đến giật lấy, dân gian cho rằng nhiều người đến giật cô hồn càng nhiều càng tốt, nếu không ai đến giành đồ cúng thì những vật phẩm cúng đó sẽ được gói lại đem cho trẻ con hoặc những người nghèo khổ, lang thang bên ngoài.

Thậm chí, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, người ta thay phẩm vật cúng cô hồn bằng những đồng tiền lẻ có mệnh giá nhỏ, điều này thu hút nhiều người đến giành lấy và xem rằng họ đã “mua chuộc” được các vong hồn không đến phá rối họ nữa.

Vậy thì có nên ăn đồ cúng cô hồn không?

Nhiều nhà nghiên cứu tâm linh cũng cho biết đồ cúng cô hồn do để ngoài trời lâu nên đồ ăn sẽ mau nguội lạnh, không tốt cho sức khỏe thậm chí ăn đồ cúng cô hồn cũng không thể giúp nhận được bất cứ “lộc” nào từ những phẩm vật cúng. Trái ngược với những phẩm vật được cúng cho thần, Phật có thể xin “lộc” về nhà vì trong tâm linh của người Việt, Phật hay các vị thần linh là những bậc cao thâm, đem lại may mắn cho cuộc sống con người, các vong linh, oan hồn lẩn khuất thì ngược lại, họ rất cần công đức của con người hồi hướng về để giúp mau siêu thoát, được tái sinh vào những kiếp sống khác.

Những phẩm vật cúng cô hồn thường để dưới đất hay được kê trên những chiếc bàn khá thấp, có thể bị côn trùng, bụi bẩn bám, vì vậy không nên ăn vào. Những loại bánh, kẹo, những loại thực phẩm được bọc kỹ lưỡng thì không nên hoang phí bỏ đi.

Người Việt tin rằng bên cạnh thể xác còn có linh hồn và khi con người chết đi thì tùy theo nghiệp lực mà linh hồn được đi đầu thai hoặc tái sinh vào kiếp sống khác. Với những người chết oan, hoặc chưa tới “số chết” mà phải chết thì tháng 7 âm lịch cũng là lúc con người thể hiện tính “nhân đạo” của mình trong đời sống, không chỉ nhớ ơn ông bà tổ tiên quá vãng mà còn thể hiện tấm lòng nhân ái của mình đối với chúng sanh khác.

Theo quan điểm nhà Phật, mâm cúng cô hồn cũng có thể là đồ chay thanh tịnh để giúp các linh hồn tích thêm công đức bởi cúng đồ mặn, các loại thịt sẽ góp phần kích thích sự sân hận, thương nhớ cuộc sống nơi trần gian nên không thể siêu thoát.

Người Việt còn có tập tục rải muối gạo quanh đường đi để lối, tiễn các vong hồn đi, vì nếu không rải muối gạo thì các vong hồn không biết lối đi nên sẽ lởn vởn quanh nhà.

Không biết tục cúng cô hồn có từ bao giờ nhưng cứ đến tháng 7 âm lịch hàng năm, người Việt đã rất chú trọng cúng cô hồn như là một cách thể hiện sự tưởng nhớ, yêu thương đối với những người đã khuất. Những vật cúng không cần quá cầu kỳ nhưng phải thể hiện được sự thành tâm của  người cúng thì mới đạt được hiệu quả.

Có một lưu ý nhiều người cho rằng, đối với những gia đình có thói quen cúng cô hồn thì nên giữ thói quen cúng thường xuyên hoặc nếu không quen cúng thì không cúng luôn chứ không nên ngắt quãng vì như vậy sẽ không tốt cho gia đình.

*Bài viết chỉ mang tính tham khảo

THIÊN THANH

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)