8 cách nuôi dạy khích lệ tinh thần doanh nhân của trẻ
Cha mẹ thường muốn con mình sau này thành đạt, có nghề nghiệp tốt và có địa vị trong xã hội. Điều quan trọng là họ cần phải nắm bắt được khả năng và tố chất của con mình để định hướng nghề nghiệp tương lai của con cho phù hợp. Về tố chất hay bản sự là điều bạn không thể can thiệp, nhưng việc định hướng và nuôi dưỡng tinh thần nghề nghiệp cho trẻ thì bạn có thể tác động.
Nếu bạn nhận ra con mình có tố chất của một doanh nhân, Cameron Herold, chuyên gia hướng dẫn cho các CEO và doanh nhân, diễn giả diễn đàn TED.com đã đưa ra 8 lời khuyên hữu ích mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo để nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân của con trẻ, dưới đây là những nhận định của vị doanh nhân này:
“Khi còn là một đứa trẻ, kết quả học tập của tôi không được tốt lắm. Tôi luôn luôn phải vật lộn với các môn học. Nhưng ngay từ khi đó, tôi đã nhận ra rằng mình thích kinh doanh. Tôi thích kiếm tiền, và tôi thích tìm ra các cách khác nhau để làm điều đó.
Cha đã chuẩn bị cho tôi và các anh chị em trở thành các doanh nhân. Ông rất nhanh nhận ra rằng tôi sẽ không phù hợp với những điều được dạy ở trường, thế nên ông đã ép tôi tập trung sức lực vào tài năng kinh doanh thiên bẩm của mình. Hầu hết những đứa trẻ không được ai dạy theo cách này, và tôi nghĩ đó là điều đáng xấu hổ!
Tôi thực sự tin rằng nếu chúng ta có thể gieo mầm ý tưởng trở thành doanh nhân vào tâm trí trẻ, thì chúng ta có thể giải quyết được tất cả các vấn đề nan giải trên thế giới hiện nay. Ở đâu đó trên thế giới, chắc chắn sẽ có một đứa trẻ nghĩ ra được một ý tưởng để giải quyết một trong các rắc rối đó.
Nhưng tôi nghĩ chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tìm ra những em có năng khiếu kinh doanh và rồi giúp chúng phát triển xa hơn những năng khiếu đó. Con em bạn có thể sẽ không học được nhiều về cách trở thành một doanh nhân khi ở trường hay khi đang chơi đồ chơi. Muốn nuôi dưỡng bản năng kinh doanh trong con cái mình hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào bậc phụ huynh các bạn.”
1. Đừng lãng phí tiền bạc
Tôi nhớ rất rõ việc mình từng bị bắt đi ra giữa đường và nhặt một đồng xu như thế nào. Tại sao ư? Ấy là vì cha tôi đã thấy tôi ném nó ra đường. Ông đã vất vả làm việc để kiếm tiền và không muốn nhìn thấy tôi lãng phí dù chỉ một đồng.
Bài học này vẫn khắc sâu trong tâm trí tôi đến tận hôm nay. Hãy dạy con cái bạn hiểu về giá trị của đồng tiền. Đừng để chúng lãng phí tiền, kể cả những khoản nhỏ bé tưởng chừng như không đáng kể.
(Ảnh: f1online.de)
2. Hướng trẻ nghĩ cách kiếm tiền chi trả cho nhu cầu bản thân
Các khoản tiền tiêu vặt làm hỏng lũ trẻ. Một khoản tiền tiêu vặt khiến chúng mong chờ như một khoản trả công, và suy nghĩ giống như một người làm công. Một doanh nhân không hy vọng ai đó trả khoản lương định kỳ cho mình. Nếu bạn đang cố gắng nuôi dạy một doanh nhân, bạn cần dạy chúng nghĩ ra cách kinh doanh kiếm tiền.
Hồi 7 tuổi, công việc kinh doanh đầu tiên của tôi là bán móc treo áo khoác cho những người giặt là. Một đứa bé như tôi tới từng nhà để bán tất cả mọi thứ từ báo giấy cho đến tấm bảo vệ biển số xe. Tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi buộc phải nghĩ cách tự kiếm tiền. Và khi làm như vậy, tôi đang học được những nguyên tắc kinh doanh.
3. Đàm phán và tìm kiếm các cơ hội mới
Ngay cả khi không cho con mình tiền tiêu vặt, bạn vẫn có thể giúp chúng kiếm tiền. Chỉ cần bạn thay đổi cách tiếp cận của mình. Tôi bảo các con của mình đi quanh nhà và ngoài sân để xem những việc cần phải làm.
Sau đó, chúng quay lại nói với tôi công việc là gì, rồi chúng tôi đàm phán một cái giá. Điều đó dạy chúng cách tìm kiếm các cơ hội vốn không bao giờ hiện ra ngay trước mắt, và chỉ cho chúng cách đàm phán để có được mức giá tốt hơn.
4. Quản lý tài chính và tiết kiệm
Không nên bắt trẻ em phải chờ đợi để bắt đầu học cách tiết kiệm tiền. Hãy tặng chúng 2 con lợn đất hoặc 2 tài khoản ngân hàng. 50% những gì chúng kiếm được nên được chuyển vào một tài khoản, và chúng có thể tiêu xài nếu muốn. 50% còn lại cần phải được tiết kiệm hoặc đem đi đầu tư.
(Ảnh: thinkstock.com)
Tôi thấy rất bức xúc khi nghe những người 30 tuổi nói về việc bắt đầu để dành tiền tiết kiệm cho quỹ hưu trí của mình. Họ “mới chỉ” bỏ lỡ khoảng 25 năm thôi, phải không nào? Bạn có thể dạy thói quen tiết kiệm này cho con trẻ, và nó sẽ đi theo chúng trong suốt phần đời còn lại.
5. Khả năng ứng biến
Bạn có hay đọc truyện cho lũ trẻ mỗi tối trước khi đi ngủ không? Hãy giảm tần suất làm việc đó đi. Thay vào đó chỉ nên đọc cho chúng 3 đến 4 tối một tuần. Những tối khác, hãy để chúng tự kể một câu chuyện. Cho chúng 4 vật và yêu cầu chúng sáng tác ra một câu chuyện cho bạn nghe với 4 vật đó. Cách này dạy chúng khả năng ứng biến, tự sáng tạo, tự bán hàng. Đây là tất cả những tính cách mà các doanh nhân cần phải có.
6. Hiểu nhân viên tốt hay xấu là như thế nào
Khi bạn đi ăn ở ngoài hay đến cửa hàng tạp hóa, hãy chỉ cho con bạn đâu là nhân viên tốt, đâu là nhân viên không tốt. Cho chúng thấy những nhân viên cáu kỉnh, cục cằn và sự đối xử tồi tệ với khách hàng của họ. Giải thích cho chúng tại sao nhân viên đó không tốt.
Nhưng hãy nhớ là bạn cũng phải chỉ ra những nhân viên xuất sắc nữa. Giúp chúng hiểu được điều gì tạo nên dịch vụ khách hàng tuyệt vời. Đảm bảo rằng chúng hiểu được sự khác biệt giữa tốt và xấu, và tại sao điều đó lại quan trọng trong kinh doanh.
7. Nói trước đám đông
Hãy khuyến khích con bạn đứng lên và nói trước mọi người, kể cả khi chúng chỉ làm thế trước vài người bạn. Hãy để chúng tham gia đóng kịch, phát biểu, hay kể một câu chuyện. Chỉ cần đảm bảo là chúng có chuẩn bị trước khi đứng trước khán giả. Tất cả các doanh nhân đều phải thuyết trình, trình bày các ý tưởng, và nói chuyện với những người mà họ không quen biết. Đây là một kỹ năng vô giá cần dạy cho con bạn.
(Ảnh qua shalommama.com)
8. Cách bán hàng và định giá
Con bạn có thể có hàng đống đồ chơi nằm lăn lóc khắp nhà mà không dùng đến. Tại sao không lấy những đồ chơi ấy và chỉ con bạn cách bán chúng qua Internet (chẳng hạn như Ebay)? Rõ ràng là bạn cần phải giám sát việc này, nhưng chúng sẽ học được cách phân biệt những kẻ lừa đảo và xác định những giao dịch tốt. Hãy dạy chúng cách định giá, dự đoán giá, và đàm phán để có được mức giá tốt hơn.
Không phải đứa trẻ nào cũng lớn lên thành bác sỹ hay luật sư. Và điều đó không sao cả. Chúng ta nên tìm kiếm năng khiếu kinh doanh trong con cái mình và nuôi dưỡng tài năng ấy, để lũ trẻ có thể lớn lên và nắm trong tay công việc kinh doanh của chính mình. Hy vọng rằng, trên con đường trở thành những doanh nhân, chúng sẽ giải quyết được một vài vấn đề đau đầu mà chúng ta đang có hiện nay.
Nguồn: trithucvn.net
Ý kiến bạn đọc
(0)