8 bí quyết bảo vệ bản thân an toàn khi dịch chuyển trong mùa dịch Covid-19
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) gây ra tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực trong ngành du lịch. Mặc dù Chính phủ khuyến cáo du khách không nên du lịch nước ngoài trong dịp này hay tới những nơi tụ tập đông người song nhiều tín đồ dịch chuyển vẫn có những lựa chọn an toàn để vừa có thể thỏa mãn đam mê du lịch, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân.
Nếu bạn cũng đang mong muốn lên đường, vậy hãy tham khảo những gợi ý bảo vệ an toàn cho bản thân khi du lịch trong mùa dịch Covid-19 dưới dây.
1. Lựa chọn điểm đến an toàn
Ngay khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu và kêu gọi các quốc gia quyết liệt đối phó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không du lịch tới các nước, vùng có dịch. Bên cạnh đó, theo thống kể từ WorldOmeters, tính đến ngày 15/3, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới 152 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, tình hình diễn biến dịch bệnh vô cùng phức tạp nên chính phủ Việt Nam cũng khuyên người dân không nên ra nước ngoài trong giai đoạn này.
Với những lý do đó, thay vì mạo hiểm bay ra nước ngoài với những rủi ro cao, việc du lịch trong nước tới các vùng không có dịch an toàn hơn và được nhiều người lựa chọn.
Một lưu ý khác là hiện nay nhiều tỉnh thành tại Việt Nam ra quyết định tạm thời đóng cửa các điểm du lịch để hạn chế nơi đông người, đề phòng dịch bệnh lây lan. Vậy nên, du khách cần luôn cập nhật cho tới phút chót lên đường các thông tin chính thức liên quan đến các điểm du lịch để đảm bảo khu vực chưa bị ảnh hưởng bởi dịch và các điểm du lịch hoạt động thuận tiện cho quá trình tham quan khám phá.
2. Theo dõi tình hình sức khỏe trước chuyến đi
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và cả những người xung quanh, bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn phòng, chống bệnh của Bộ Y tế trước, trong và sau chuyến đi.
Ngay trước chuyến đi, nếu xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở hoặc tiếp xúc với các ca nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh, bạn cần hủy bỏ lịch trình và tuyệt đối không rời khỏi địa phương. Những điều cần làm lúc này là tự cách ly trong phòng riêng, mở cửa thoáng khí và giữ khoảng cách ít nhất 2m với những người xung quanh.
Tiếp theo, hãy liên hệ với cơ quan y tế gần nhất hoặc Bộ Y tế qua đường dây nóng 1900 3228 hoặc 1900 9095. Sau khi di chuyển đến cơ sở y tế, hãy trung thực khai báo lịch trình di chuyển, luôn đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm cho những người khác nếu chẳng may bạn nhiễm virus.
3. Tăng sức đề kháng cho cơ thể
Việc tăng sức đề kháng cũng giúp bạn tránh được sự lây nhiễm virus, đồng thời giúp bạn giữ sức khỏe để tận hưởng chuyến đi. Vì vậy hãy luôn ăn uống đủ chất và đúng giờ không chỉ trước mà còn trong và sau chuyến đi. Bên cạnh đó, bạn có thể bổ sung các thực phẩm chứa kẽm, sắt, đồng, axit folic, các loại vitamin (A,B6,C,E…).
Việc tập luyện thể dục thể thao đều đặn cũng giúp giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh, dẻo dai. Tuy nhiên cũng nên lưu ý quá trình tập luyện này nên tránh ở nơi đông người.
4. Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài trong suốt chuyến đi
Virus dễ lây truyền qua việc tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn từ người bệnh hoặc từ các bề mặt nơi virus bám dính. Trong khi đó, việc di chuyển khi đi du lịch khiến bạn khó tránh khỏi tiếp xúc với nhiều người và ở nhiều nơi công cộng như sân bay, ga tàu, bến xe,… Chính vì vậy việc tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế sẽ giúp bạn giữ an toàn cho bản thân trong suốt chuyến đi.
Hãy luôn đeo khẩu trang y tế và khẩu trang vải đúng cách khi đi ra ngoài, đặc biệt tránh tiếp xúc với những người có biểu hiện ho, sốt. Sau khi sử dụng khẩu trang ý tế thì cần tháo và vứt bỏ vào thùng rác, còn đối với khẩu trang vải thì phải giặt sạch hàng ngày.
5. Luôn mang theo dung dịch diệt khuẩn để làm sạch tay và các khu vực tiếp xúc trực tiếp
Tránh chạm tay lên mặt và thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trong 30 giây để diệt khuẩn.
Khi di chuyển thì việc rửa tay sạch sẽ cần luôn cơ động và không phải lúc nào cũng có thể dùng xà phòng, vì vậy bạn hãy nhớ mang theo dung dịch rửa tay khô hoặc dung dịch chứa cồn tối thiểu 60% (tuy nhiên lưu ý cồn 90 độ không được mang lên máy bay). Hãy vệ sinh tay sạch sẽ sau khi ho, hắt hơi, tháo khẩu trang hay tiếp xúc với các bề mặt công cộng như lan can, tay nắm cửa, thanh vịn xe bus…
Một lưu ý là bạn cũng có thể tự khử trùng chỗ ngồi của mình trên máy bay, tàu xe bằng các dung dịch diệt khuẩn mang theo để đảm bảo độ sạch sẽ tối ưu.
6. Sát khuẩn vùng họng hàng ngày
Theo các chuyên gia y tế, sát khuẩn vùng họng đúng cách là bước cuối cùng để ngăn chặn virus. Cách đúng là súc dung dịch xuống sâu nhất trong vùng cổ.
Vì vậy không chỉ lưu tâm sát khuẩn họng khi còn ở nhà mà ngay trong chuyến đi, du khách có thể súc họng trước khi ra ngoài và ngay sau khi trở về nơi cư trú. Mỗi lần súc khoảng 2 phút và 3 lần đưa xuống họng khoảng 15 giây. Bên cạnh sử dụng dung dịch súc họng thì xịt khuẩn họng cũng là cách tiện lợi, được nhiều người sử dụng.
7. Khai báo ngay nếu bản thân có dấu hiệu nhiễm bệnh hoặc phát hiện ra người có triệu chứng
Nếu thấy bản thân hoặc hành khách đi cùng có các triệu chứng nghi nhiễm bệnh, bạn hãy ngay lập tức liên hệ trực tiếp cho ban quản lý địa phương, Bộ Y tế để có hướng dẫn và phương pháp hỗ trợ kịp thời.
8. Sau chuyến đi
Chính phủ đã yêu cầu việc khai báo y tế đối với toàn dân, và đối với du khách có lịch trình dịch chuyển xa thì việc này càng cần thiết. Vì vậy sau khi kết thúc chuyến đi, bạn hãy thực hiện khai báo y tế, lịch trình di chuyển đầy đủ trên ứng dụng điện thoại hoặc trang web https://tokhaiyte.vn. Nếu xuất hiện các dấu hiệu nhiễm bệnh, bạn hãy tự chủ động cách ly và liên hệ với các cơ sở y tế như hướng dẫn trong bước 2.
Thực hiện theo đúng những lưu ý trên đây, chắc chắn bạn sẽ giữ được an toàn cho bản thân và những người khác, hạn chế tối những rủi ro lây nhiễm khi dịch chuyển trong mùa dịch virus Covid-19.
Nguồn: luxury-inside.vn
Ý kiến bạn đọc
(0)