74% dự án nhà ở thương mại tại TP HCM chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư
HoREA chỉ ra sự việc đến từ nguyên nhân mâu thuẫn, không thống nhất giữa từ "đất ở" được quy định tại Luật Đất đai và Luật nhà ở.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) dẫn số liệu từ Sở Xây dựng cho biết, từ ngày 1/7/2015 đến nay, thành phố có 170 dự án nhà ở thương mại. Trong đó, 126 dự án tương ứng tỷ trọng 74% có nguồn gốc đất do nhà đầu tư tự thương lượng bồi thường, giải phóng mặt bằng xen cài đất ở và đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp.
Những dự án này chưa được các Sở, ngành trình UBND TP xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ đầu tư dự án. Tình trạng trên dẫn đến nhà đầu tư lâm vào tình cảnh khó khăn, không triển khai được dự án, bị chôn vốn, chịu lãi cao kéo dài, có thể rơi vào nhóm nợ xấu, có nguy cơ phá sản.
HoREA chỉ ra sự việc đến từ nguyên nhân mâu thuẫn, không thống nhất giữa từ "đất ở" được quy định tại Điều 23 Luật Nhà ở 2014 với từ "đất" tại Điều 22 Luật Nhà ở 2014 và Điều 191 Luật Đất đai 2013. Ngoài ra, trong quá trình thực thi pháp luật, các cơ quan Nhà nước thiếu sự liên thông và phối hợp. Điều này dẫn đến ách tắc trong quá trình thực hiện các quy phạm pháp luật về chấp thuận chủ trương đầu tư, về chấp thuận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại...
126/170 dự án nhà ở thương mại tại TP HCM có nguồn gốc đất do nhà đầu tư thương lượng bồi thường, đất phi nông nghiệp... Ảnh minh họa: Internet.
Đây cũng chỉ là một trong số những điểm nghẽn pháp lý về chấp thuận chủ đầu tư dự án nhà ở tại TP HCM mà HoREA đưa ra.
Trên cơ sở thực tế, Hiệp hội đề xuất với nhà đầu tư đã có 100% đất ở thì Sở Xây dựng thụ lý hồ sơ trình UBND TP xem xét quyết định chấp thuận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại theo quy định của Luật Nhà ở như quy trình và thủ tục hành chính hiện nay.
Trường hợp dự án bao gồm đất ở và các loại đất khác cần phải chuyển mục đích sử dụng đất thì Sở Kế hoạch Đầu tư thụ lý hồ sơ trình UBND TP xem xét quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Trong đó ghi tên nhà đầu tư và tên, mục tiêu, quy mô, vốn đầu tư, thời hạn thực hiện dự án.
Sau khi đã có quyết định chủ trương đầu tư, Hiệp hội đề nghị UBND TP giao nhiệm vụ cho các Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường thực hiện các bước thủ tục hành chính tiếp theo.
Trong lúc chưa sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014, Hiệp hội đề nghị Chính phủ có văn bản giải thích từ "đất ở như (i) đã được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; (ii) đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án xây dựng nhà ở; (iii) đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi thực hiện giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Về lâu dài, Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở, như sau: "Nhận chuyển quyền sử dụng đất (hoặc "đất ở và các loại đất khác") theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại”.
Theo THU THANH/Người Đồng hành
Ý kiến bạn đọc
(0)