3 lưu ý giúp khách hàng tránh nhận “trái đắng” khi mua nhà “trên giấy”
Thời gian gần đây, trên thị trường địa ốc xảy ra những vụ tranh chấp chung cư giữa chủ đầu tư và khách hàng liên quan đến việc góp vốn mua nhà dự án... “trên giấy”. Vì sao có hiện tượng này và khách hàng nên làm gì để chọn mặt gửi vàng chủ đầu tư uy tín?
Dự án nhà ở xã hội Bright City (AZ Thăng Long) . Ảnh: Infonet
Hơn 500 hộ dân mua nhà tại Dự án Tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (Bright City) đang lâm vào tình cảnh khốn khó khi dự án liên tục chậm tiến độ và chưa biết khi nào mới bàn giao.
Theo hợp đồng mua bán căn hộ giữa Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long - Chủ đầu tư Dự án nhà ở xã hội Bright City (AZ Thăng Long) tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung (Hoài Đức, Hà Nội) với khách hàng, dự kiến quý IV/2017 khách sẽ nhận bàn giao nhà, nhưng hiện 3 trong 4 tòa nhà thuộc dự án vẫn ngổn ngang, thậm chí dừng thi công, có nguy cơ "vỡ" tiến độ.
Điều này đã đẩy hàng trăm người thu nhập thấp rơi vào tình cảnh khốn khó bởi họ đang phải "cõng" trên lưng gánh nặng tài chính, không những phải trả tiền lãi vay ngân hàng mà còn phải chi trả một khoản tiền không nhỏ để thuê nhà hàng tháng. Chính vì vậy, mới đây cư dân Dự án Bright City đã làm đơn cầu cứu tới Thanh tra chính phủ cùng các cơ quan chức năng.
Theo tìm hiểu, dự án này được khởi công từ tháng 11/2014 và chủ đầu tư là Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long cam kết hoàn thành việc xây dựng, bàn giao nhà vào Quý IV/2017. Tuy nhiên, trong suốt quá trình thi công từ 2/2016 - 12/2016, dự án nhiều lần chậm, dừng thi công.
Đỉnh điểm là ngày 20/12/2016 chủ đầu tư thông báo dừng thi công tòa A3 khi đang thi công dở dang tầng 17 và yêu cầu các hộ mua nhà tại tòa A3 chuyển sang tòa khác của dự án để đảm bảo nguồn lực cho tiến độ của dự án.
Tin theo lời chủ đầu tư, những khách hàng mua nhà tại tòa A3 đã đồng ý chuyển sang tòa A1.1 để mong sao được nhận nhà sớm. Tuy nhiên, tính đến đầu năm 2018, tại công trường chủ đầu tư chỉ cho thi công mỗi tòa A1.1, còn 2 tòa A1.2 và A2 thì bị dừng hẳn. Việc này đã khiến các khách hàng bức xúc và giáp Tết vừa qua, họ đã căng băng rôn đòi chủ đầu tư sớm bàn giao nhà.
Tương tự, cách đây gần một năm, một nhóm khách hàng đã cầm băng rôn, khẩu hiểu đứng ngay dưới chân công trình dự án Bidhomes The Garden Hill, số 99 Trần Bình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) “đấu tranh” đòi quyền lợi với chủ đầu tư.
Sở dĩ có sự việc này là do cách đây 8 năm, hơn 63 khách hàng góp vốn mua nhà “trên giấy” tại dự án này với mức giá thỏa thuận ban đầu là 18,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau đó do gặp khó khăn về tài chính cũng như người đứng đầu dự án cũ vi phạm pháp luật nên dự án bị đình trệ. Sau đó, dự án được “sang tay” cho BID Việt Nam (sau này là BIBGROUP).
Khi chuyển đổi dự án, Công ty Đức Phương và BID Việt Nam cũng đã làm thủ tục chuyển đổi quy mô của Bidhomes The Garden Hill và chuyển đổi tính chất dự án từ đất thuê 50 năm trả tiền thuê 5 năm một lần thành đất ở lâu dài.
BID cũng cam kết kế thừa toàn bộ nội dung thỏa thuận từ góp vốn hợp tác đầu tư ngày 24/10/2009 kèm theo phụ lục được ký kết giữa Công ty Đức Phương và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và Đô thị mới Hà Nội.
Tuy nhiên, sau đó, nhóm khách hàng cũ liên tục bị chủ đầu tư mới nâng giá từ 18,5 triệu đồng/m2 ban đầu lên 24,3 triệu đồng/m2. Sau đó, ít lâu sau lại nâng lên mức từ 30,9 - 33,5 triệu đồng/m2 (tùy từng căn hộ).
Việc thay đổi từng bước tính chất, quy mô và chủ đầu tư dự án đã khiến những khách hàng góp vốn vào dự án những năm trước đây lâm vào thế yếu. Cùng với đó, việc chủ đầu tư liên tục đưa ra các mức giá khác nhau vênh gần gấp đôi so với giá ban đầu đã khiến nhiều khách hàng cũ bức xúc và đi khiếu kiện.
Mặc dù thời gian sau đó, quyền lợi của khách hàng góp vốn tại dự án đã được BID đảm bảo nhưng nhiều khách hàng đã phải chi thêm hàng trăm triệu đồng so với giá ban đầu để có thể nhận nhà tại dự án…
Xung quanh việc này, trao đổi với BizLIVE, một chuyên gia trong giới bất động sản cho biết, sở dĩ vẫn có nhiều khách hàng nhận trái đắng khi mua nhà "trên giấy" là do khách hàng bị hấp dẫn bởi giá rẻ và thời gian thanh toán kéo dài trong khi không tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của dự án và uy tín của chủ đầu tư.
Còn luật sư Nguyễn Văn Hân, Công ty luật Hợp danh Minh Bạch (Hà Nội) cho rằng, nhìn từ những vụ việc tranh chấp giữa khách hàng và không ít chủ đầu tư thời gian qua có thể nhận thấy hậu quả từ việc tự nguyện ký kết hợp đồng góp vốn mua nhà mà không có sự tìm hiểu kỹ càng trước.
Luật sư Nguyễn Văn Hân cho rằng, để hạn chế tình trạng trên, mỗi khách hàng khi có dự định đặt tiền mua dự án cần chú ý các vấn đề sau để không bỏ tiền ra để mua “bội tín” của chủ đầu tư dự án.
Thứ nhất, tìm hiểu thật rõ về tính pháp lý của lô đất, căn hộ dự định mua.
Thứ hai, kiểm tra thông tin liên quan đến chủ đầu tư và các bên có liên quan đến dự án như: Các thông tin cần thiết về dự án như giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư/kinh doanh, quy hoạch/bản đồ/bản vẽ chi tiết…
Yêu cầu chủ đầu tư đưa ra các giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án, xem xét biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà. Xem xét ký việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với Nhà nước như giấy nộp tiền sử dụng đất và tiền thuế liên quan đến dự án.
Thứ ba, tìm hiểu kỹ các tranh chấp và bất đồng giữa chủ đầu tư và các nhà đầu tư trước đây, cách hành xử của chủ đầu tư với nhà đầu tư và cư dân tương lai. Từ đó rút ra bài học và phương thức giao kết hợp đồng với chủ đầu tư cho phù hợp nhằm phòng tránh trường hợp “tiền mất tật mang”.
Theo VẠN XUÂN/bizlive.vn
Ý kiến bạn đọc
(0)